Với nền kinh tế giàu có, Trung Đông là nơi tụ họp của các công trình siêu hiện đại như Bảo tàng Nghệ Ferrari, Infinity Tower… với vốn đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD.
Trong 10 năm đầu của thế kỷ 21, vùng Vịnh, đặc biệt là Dubai trở thành tâm điểm của hàng hoạt công trình kiến trúc với vốn đầu tư khổng lồ. Thậm chí các dự án xây dựng được đưa ra gần như hàng tuần.Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các siêu dự án, như công viên Dubailand với vốn đầu tư 68 triệu USD và Kingdom Tower có chi phí dự tính 1,3 tỷ USD tại Saudi Arabia chỉ còn nằm trên giấy.
Tuy nhiên, hiện nay, nhờ kinh tế phát triển vượt bậc, các thiết kế dự án và việc đầu tư vốn xây dựng tại Trung Đông đang sôi động trở lại. Qatar đang chuẩn bị cho việc làm chủ nhà của World Cup 2022 và các dự án xây dựng tại nước này trong năm nay là khoảng 230 tỷ USD. Trong năm 2011, các dự án xây dựng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có vốn đầu tư lên tới 28,84 tỷ USD. Con số này là 33,84 tỷ USD trong năm 2012 và dự kiến là 37,98 tỷ USD trong năm 2013.
Dưới đây là 9 công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu nhất tại Trung Đông.
1. Bảo tàng Nghệ thuật đạo Hồi, Doha, Qatar
Được thiết kế dưới dạng các hình khối xếp chồng lên nhau, bảo tàng Nghệ thuật đạo Hồi là nơi lưu trữ một trong những kiệt tác nghệ thuật đạo Hồi lớn nhất thế giới. Và bản thân công trình này cũng là một kiệt tác.
Kiến trúc sư I.M. Pei, khi đó 91 tuổi, đi du lịch khắp Trung Đông trong vòng 6 tháng để tìm kiếm ý tưởng thiết thế công trình vừa đơn giản vừa tuyệt vời này. Bảo tàng này rộng gần hơn 14.000 m2, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ tại Doha, Qatar. Khởi công vào năm 2005, công trình này hoàn thành vào năm 2008 với tổng chi phí, bao gồm phần bảo tàng, bán đảo và công viên xung quanh, là 47,7 triệu USD.
2. Ferrari World, Abu Dhabi, UAE
Ferrari World là công trình khổng lồ với thiết kế các khối tam giác và là nơi có công viên trong nhà lớn nhất thế giới. Điểm nổi bật của Ferrari World là sự kết hợp của đèn chiếu sáng và flash. Vào ban đêm, công trình như một pháo đài màu sắc khổng lồ. Có diện tích bằng 7 sân bóng đá, công trình này được ví như con tàu vũ trụ lớn màu đỏ với 21 bánh. Ferrari World được khởi công xây dựng vào tháng 11/2008 và hoàn thành sau 2 năm với tổng chi phí 40 tỷ USD – gấp đôi chi phí xây dựng khu tổ hợp Downtown Dubai, bao gồm cả tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa.
3. Infinity Tower, Dubai, UAE
Infinity Tower cao 80 tầng được ví như tảng băng xoắn khổng lồ sừng sững dưới bầu trời Dubai. Trong số nhiều siêu dự án ra đời trước thời khủng hoảng kinh tế tại Dubai (như các khách sạn dưới nước, các tòa nhà của Fendi), Infinity là một trong những công trình thực sự được xây dựng, dù nhiều lần bị trì hoãn.
Đây là tháp xoắn ốc cao nhất thế giới (330m) mà không có cột bên trong, giúp mang lại không gian ấn tượng và ánh sáng tự nhiên tràn ngập. Công trình được khởi công năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay với chi phí khoảng 190,5 triệu USD.
4. Burj Khalifa, Dubai, UAE
Từ xa, Burj Khalifa giống như mũi tên xuyên thủng trời xanh. Lấy ý tưởng từ Tower Palace Three, một chung cư tại Seoul, Hàn Quốc, Burj Khalifa có chiều cao 163 tầng và là địa điểm thu hút đông đảo du khách. Đây cũng là một trong những công trình cao nhất thế giới với chiều cao 830m.
Burj Khalifa có chi phí xây dựng 1,5 tỷ USD và là một phần của công trình tổ hợp Downtown Dubai với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD. Tổ hợp này gồm Dubai Mall, trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới. Công trình khởi công vào tháng 1/2004 và chính thức mở cửa vào năm 2010 sau nhiều lần trì hoãn do khủng hoảng tài chính.
5. Abraj Al Bait Towers, Mecca, Ả Rập Saudi
Công trình tổ hợp Abraj Al Bait Towers (hay còn gọi là Mecca Royal Hotel Clock Tower) tọa lạc ngay phía trước Kaaba tại Mecca, nơi linh thiêng nhất của đạo Hồi. Tháp chính của công trình này rộng hơn tháp Elizabeth (nơi có đồng hồ Big Ben) tại London, và có đài quan sát ngay bên dưới đồng hồ cũng như nơi cầu nguyện có sức chứa 10.000 người.
Để xây dựng tổ hợp này, người ta đã phá bỏ pháo đài Ottoman Ajyad từ thế kỷ 18, hành động bị công chúng phản đối kịch liệt. Hiện nay, đây là một phần quan trọng của thánh địa Mecca. Công trình cao 600m với 120 tầng này có tổng chi phí 15 tỷ USD. Khởi công vào năm 2004, công trình này hoàn thành năm 2012.
6. Chedi Muscat, Muscat, Oman
So với tất các khách sạn cao tầng tại khu vực Trung Đông, Chedi Muscat ghi điểm với kiến trúc hòa mình vào cảnh quan xung quanh. Bên trong khách sạn bên bờ biển này có còn khu vườn khổng lồ. Ở chính giữa khách sạn Chedi Muscat là khu tiền sảnh cao 12m, giống như một căn lều khổng lồ sừng sững giữa sa mạc. Khu lễ tân được thiết kế giống như một pháo đài Omani với nội thất vừa tính tế, hiện đại.
Khách sạn 160 phòng này có tổng chi phí 25 triệu USD trên phần diện tích hơn 2.500 m2. Công trình khởi công vào năm 2003, thiết kế lại vào năm 2007 và cải tiến lần cuối vào năm 2010.
7. Bank Muscat, Muscat, Oman
Bank Muscat là trụ sở của ngân hàng lớn nhất tại Oman. Đây là công trình có thiết kế hiện đại kết hợp kiến trúc đạo Hồi. Thiết kế công trình này đã đạt giải thưởng Atkins về cả thẩm mỹ và chức năng.
Bao bọc tòa nhà là thiết kế trắng xanh độc đáo giúp ánh sáng tự nhiên và mát mẻ luôn tràn ngập. Nội thất của công trình giúp thay đổi cách làm việc của nhân viên với khu vực ngồi đầy màu sắc và lối đi bằng kính sáng loáng. Ngân hàng này rộng gần 10.000 m2 với chi phí xây dựng 57,2 triệu USD và 2 năm hoàn thành từ 2009.
8. World Trade Center, Bahrain
Vương quốc nhỏ bé Bahrain là nơi sở hữu một trong những công trình ấn tượng nhất tại khu vực Trung Đông. Với 2 tháp nối với nhau bằng 3 cây cầu trên không, World Trade Center là công trình cao tầng đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng gió. Tòa nhà hình cánh buồm với 50 tầng và cao 240m này có tổng chi phí xây dựng là 150 triệu USD.
9. Trung tâm nghiên cứu Dầu khí Quốc vương Abdullah, Riyadh, Ả Rập Saudi
Với công trình này, kiến trúc sư Zaha Hadid đã giành được giải thưởng Iraqi. Được thiết kế với màu xám chủ đạo và hình khối ấn tượng, công trình nổi lên như một khối tinh thể mọc giữa sa mạc.
Bên dưới lớp theo bao bọc khổng lồ, mái che cũng giúp bảo vệ tòa nhà khỏi cái nóng sa mạc. Dự án này có tổng chi phí 11,5 tỷ USD và bắt đầu được xây dựng từ năm 2009. Công trình được đầu tư bởi Aramco, công ty năng lượng lớn nhất thế giới và có tổng diện tích gần 20.000 m2.
Abraj Al Bait Towers, công trình kiến trúc hiện đại, Kiến trúc sư I.M. Pei, kiến trúc sư Zaha Hadid