Không phải mọi công trình của các Kiến trúc sư nổi tiếng đều có “số phận” tốt đẹp.
“Mối quan hệ” đầy biến động giữa chính quyền thành phố Manchester và chủ nghĩa tối giản (Minimalism) có vẻ như đã tới hồi kết. Sự kiện này không thể hiện bằng việc ra đời công trình mới, mà thay vào đó là một sự phá dỡ “lặng thầm”: Công trình duy nhất của Kiến trúc sư Tadao Ando tại Anh Quốc mang tên “Piccadilly Gardens Pavilion” tại TP Manchester sẽ sớm bị dỡ bỏ theo dự án chỉnh trang không gian công cộng.
Tuổi đời ngắn ngủi kéo dài 14 năm của công trình đã dẫn đến sự bất ngờ với công chúng, đặc biệt là những người quan tâm, yêu thích các công trình của KTS Tadao Ando. Tuy nhiên, theo tờ Architect’s Journal, người điều hành dự án L&G và Hội đồng thành phố cho rằng công trình mới sẽ thân thiện và gần gũi hơn với người dân Manchester hơn là công trình cũ của Ando. Phát biểu này đã đặt dấu chấm hết cho kết cấu bê tông được người dân tại đây so sánh với bức tường Berlin ở Đức. Khu vườn Piccadilly này từng bị coi là điểm du lịch kém hấp dẫn nhất của thành phố theo đánh giá trên TripAdvisor.
Công trình Tadao Ando (kết cấu uốn cong trong hình) sẽ bị san phẳng để xây dựng một công trình thương mại gần gũi hơn với công chúng.
Nhưng chuyện gì đã xảy ra?
Câu trả lời là sự tổng hợp của 3 yếu tố liên quan. Trước hết, sự bảo thủ của nước Anh vốn đã quá nổi tiếng, thậm chí trong lĩnh vực kiến trúc: đã từng có một cuộc đấu tranh chống lại những công trình kiến trúc hiện đại quá tương phản với hình thức đô thị cổ kính. Sự thất bại của siêu dự án mang phong cách Le Corbusier trong những thập niên 60-70 mang lại nỗi ám ảnh và sự nghi ngờ cho người dân xứ sở sương mù với bất kì dự án nào có bóng dáng của kiến trúc hiện đại. Để miêu tả những dự án này, họ cho rằng chúng “gây sốc”, “không phù hợp” hay thậm chí là “xấu xí”.
Bức tường bê tông ở phía nam công trình được người dân địa phương so sánh với bức tường Berlin
Thêm vào đó, việc sử dụng những yếu tố nội thất một cách tuỳ tiện của những đơn vị thuê lại mặt bằng (cửa hàng Café Nero với các banner màu xanh dương) là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng lộn xộn, phá vỡ định hướng nhất quán của công trình.
Thứ ba, trách nhiệm một phần thuộc về người thiết kế. Chính KTS Ando đã thừa nhận sự thiếu sót trong định hướng phân chia mặt bằng cho các gian hàng tại đây. Tadao Ando là một kiến trúc sư vốn nổi tiếng trong việc kết hợp vật liệu bê tông của công trình với màu xanh mềm mại của cảnh quan, điều này có thể thấy rõ trong công trình chung cư số 152 phố Elizabeth, New York của ông. Tuy nhiên, có vẻ như trong dự án này ông đã thực sự mắc sai lầm.
Trên hết, dự án chỉnh trang này không phải là một sự thử nghiệm, Hội đồng Thành phố Manchester đã quyết định sẽ xoá bỏ công trình của Ando và thay thế bằng một trung tâm thương mại được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc Urban Edge Architecture. Công trình mới, với phần mái lượn sóng, mặt đứng kết hợp giữa đá, gỗ sồi và kính, mang một vẻ ngoài tương đồng với những công trình thương mại khác trên khắp nước Anh – trên thực tế, có khả năng mang lại lợi nhuận nhưng thiếu đi tính đột phá. Phương án kiến trúc mới, theo đánh giá của tạp chí Architizer, thật sự “an toàn” – không gây xung đột nhưng cũng không để lại ấn tượng cho người xem khi so sánh với công trình hiện tại của Tadao Ando.
Câu chuyện về công trình Piccadilly Gardens Pavilion là một ví dụ điển hình cho sự thiếu tương tác trong suốt một thời gian dài giữa người dân Anh, chính quyền thành phố và những văn phòng kiến trúc đương thời. Người dân Anh bị cho là thiếu đi sự thấu hiểu với những quan điểm và triết lí kiến trúc thuần tuý. Mặt khác, chính quyền thành phố Manchester phải chịu trách nhiệm vì đã không xác định được nhu cầu và quan điểm của người dân – những người trực tiếp sử dụng công trình.
Đất nước Anh (ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt) sẽ ngày càng mất đi những công trình kiến trúc đương đại mang tính đột phá và công trình của Tadao Ando tại Manchesster là một ví dụ điển hình. Thay vào đó, thành phố sẽ quay trở lại với lối kiến trúc quen thuộc trước đây cũng như những khuynh hướng bảo thủ sẽ ngày một được tăng cường. Khả năng xuất hiện những công trình đột phá có lẽ sẽ bị đóng băng trong ít nhất vài năm tới.
Nếu là tại một nơi khác, một thời điểm khác, công trình Piccadilly Gardens Pavilion có lẽ đã được tôn vinh. Còn tại nơi đây, số phận của nó đã được định đoạt.
Nguồn: Tạp chí kiến trúc
“Piccadilly Gardens Pavilion”, Công trình Tadao Ando, Kiến trúc, kiến trúc sư, Kiến trúc sư Tadao Ando, KTS Ando, Tadao Ando, tạp chí Architizer