Theo công bố của Hội đồng Công trình Xanh thế giới, việc xây dựng và sử dụng khai thác các công trình (bao gồm các công trình xây dựng phục vụ nền công nghiệp) chiếm tới 39% lượng khí thải liên quan tới năng lượng toàn cầu. Đây là con số tương đối lớn trong bối cảnh trái đất đang nóng lên. Chính vì vậy bài toán bức thiết đặt ra là cần làm gì để xây dựng kiến trúc bền vững, giúp con người tránh khỏi những thảm họa khí hậu?
Vì sao người dân ở vùng Bắc Ấn Độ sau 30 năm mới có thể nhìn rõ dãy Himalaya khi cách xa cả 160km, vì sao lỗ hổng tầng Ozon bên ngoài trái đất đang có dấu hiệu tự chữa lành, những đám mây nitơ dioxide mờ dần trên bầu trời Trung Quốc, kênh đào Venice tại Ý trở lại trong xanh như hồi đầu tháng Ba vừa qua?… Sự bùng nổ của đại dịch Covid – 19 trên toàn cầu đã và đang gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó nó lại đang mang tới những thay đổi tích cực cho môi trường khi lượng khí thải giảm, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang giảm dần.
Dấu chân carbon* càng nhỏ, lượng khí thải nhà kính càng ít và sản phẩm đó cũng không ảnh hưởng nhiều tới môi trường. Kiến trúc cũng không nằm ngoài quy luật, chỉ một công trình kiến trúc bền vững đã có thể đặt một viên gạch xây nền móng cho một thế giới xanh.
Dưới đây là một số giải pháp để xây dựng kiến trúc xanh:
Vật liệu xanh đến từ thiên nhiên – Hạt giống của sự thay đổi trong kiến trúc bền vững
Lượng phát thải carbon chiếm phần lớn lượng phát thải từ ngành xây dựng. Trên thực tế con số này lên tới 20-50% toàn bộ lượng khí thải carbon của một tòa nhà mới xây dựng và điều này sẽ còn tăng lên nếu quá trình xây dựng sử dụng những vật liệu gây hại môi trường.
Rất nhiều những vật liệu tái chế đã được đưa vào sử dụng trong đó có gỗ CLT (Cross Laminated Timber – gỗ ép chéo). Cây đang phát triển có thể hấp thụ một lượng lớn khí CO2 tuy nhiên quá trình này sẽ chậm dần khi bắt đầu chu trình già hóa. Việc sử dụng các cây trưởng thành để làm vật liệu xây dựng như CLT, có độ chịu kéo và độ chịu nén lớn hơn và trồng các cây non thay thế sẽ tạo ra chu trình khuyến khích việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa vật liệu bền vững này là nguồn tài nguyên tái tạo và không cần đốt các nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất.
Bê tông Hempcrete cũng là giải pháp khi tìm kiếm vật liệu bền vững bảo vệ môi trường. Với nguyên liệu chủ yếu từ cây gai dầu và vôi, nhẹ hơn bê tông tới 7 – 8 lần, thậm chí có thể nổi trên nước, Hempcrete sẽ thay thế một lượng lớn bê tông – một số lượng lớn chất thải rắn khi không còn mục đích sử dụng – hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Cùng với việc cung cấp vật liệu cách nhiệt hiệu quả, Hempcrete còn giúp kiểm soát độ ẩm. Một trong những quán quân của giải thưởng Ashden, Hembuild đã sử dụng bê tông xanh trong việc xây dựng các ngôi nhà, cửa hàng và trường học tại Anh.
Một bước cải tiến khác là việc đưa vào vật liệu sẵn có bản địa, đội ngũ của Haileybury Youth Trust đang hướng dẫn, đào tạo người dân tại Uganda sử dụng các khối đất nén xen kẽ được làm chủ yếu từ đất tại địa phương. Quá trình này bền vững hơn nhiều so với việc sử dụng gạch nung mà vẫn tạo nên các tòa nhà chất lượng đảm bảo tiêu chí.
Suy nghĩ lớn để cải thiện các tòa nhà cũ
Một trong những yếu tố để tạo nên kiến trúc bền vững là việc cải tạo lại các tòa nhà cũ, trang bị thêm để đáp ứng các tiêu chí tiết kiệm năng lượng. Rất nhiều công trình được xây dựng lâu đời, thậm chí những công trình chỉ mới xây dựng gần đây cũng không cho thấy sự hiệu quả. Mô hình Energiesprong (tổ chức Phi lợi nhuận của Hà Lan) ra đời để tân trang lại cho những ngôi nhà được xây dựng từ những thập niên 60, thay thế, sửa chữa lại toàn bộ hệ thống trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ gia đình – từ hệ thống nhiệt thoải mái, đầy đủ điện nước nóng lạnh.
Việc tân trang lại ngôi nhà cũng có thể giải quyết nỗi đau của nghèo đói nhiên liệu. Cụ thể chiến dịch do chương trình Tổ Ấm tại Lancashire (CHiL) tổ chức với sự ủng hộ của tất cả 15 cơ quan chức năng địa phương tại đây đã phối hợp cùng các công ty năng lượng và nguồn tài trợ khác cho các biện pháp hệ thống sưởi, công nghệ cách nhiệt và tái tạo lại tài sản. Kể từ khi phát động năm 2014, chương trình đã có hơn 10 triệu bảng tài trợ, giúp hơn 10.500 cư dân tiết kiệm năng lượng trong chính ngôi nhà của mình.
Xu hướng nhà thụ động (passive house) và quản lý bằng phần mềm – giải pháp cho kiến trúc bền vững
Một ngôi nhà không yêu cầu hoặc rất ít yêu cầu tới việc sử dụng năng lượng cho các thiết bị làm mát và sưởi ấm (passive house) là xu hướng thiết kế nhà bền vững, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của các công trình xây dựng tới môi trường. Việc xây dựng và thiết kế các bức tường dày hay hệ thống tường trong tường không chỉ cách nhiệt hiệu quả mà còn có tác dụng làm mát. Mô hình khởi nguồn từ những năm 70 và thành hình trong những năm đầu 90 tại Đức sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp cho kiến trúc xanh, hạn chế nhất lượng khí phát thải.
Bên cạnh đó việc đưa công nghệ kiểm soát, đo lường và quản lý năng lượng trong các tòa nhà như phần mềm Demand Logic và Equota Energy có nguồn dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cải tiến phần nào công cụ nhằm bảo vệ môi trường sống.
*Dấu chân carbon (Carbon Footprint): Lượng phát thải khí CO2 sinh ra có thể gây hại tới môi trường
Nguồn: BD & TH | Vũ Hương
Xem thêm:
GK Archi và dự án Cao ốc Sonatus Tower
GK Archi tuyển dụng Kiến trúc sư chủ trì Concept tháng 05/2020
GK Achri, GK Archi tư vấn thiết kế kiến trúc, kiến trúc bền vững, thiết kế Xây dựng Kiến trúc, xây dựng kiến trúc