Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, có lẽ bản tính độc lập, quyết đoán từ thời trẻ cho đến khi làm CEO đã giúp Giang Lê dễ dàng đưa ra các quyết sách ở những thời điểm quyết định.
Luôn nghĩ kiến trúc là mảnh đất cạnh tranh bình đẳng, chỉ cần có tài năng là sẽ được công nhận, từ năm 2010, Giang Lê bắt đầu hành trình đưa thiết kế của mình đi khắp các nước Myanmar, Banglades, Campuchia, Mông Cổ… và chưa dừng lại ở đó.
Tham quan đất nước Myanmar, những người Việt Nam hẳn sẽ rất tự hào vì nhìn thấy nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn từ một công ty thiết kế Việt. GK Archi do Giang Lê đồng sáng lập là một trong số ít công ty thiết kế có văn phòng làm việc và trực tiếp đấu thầu những công trình lớn ở Myanmar. Giang Lê là người trực tiếp đi đấu thầu và thắng nhiều dự án có giá trị đầu tư lớn như: Sky Condominium Thuwana tại Yangon, The Atrium, Golden View, Kan Yeik Thar, dự án Chaung Thar Resort tại Chaung Thar, dự án Maw Lamyaing Hotel tại Maw Lamyaing… Nữ kiến trúc sư bắt đầu để ý đến thị trường này từ năm 2009, khi đất nước chùa vàng bắt đầu có những chính sách mở cửa cho nước ngoài đầu tư. Tìm hiểu về cung cách làm việc và luật rồi chuẩn bị khoảng 1 năm, đến 2010, Hương Giang bắt đầu “mang chuông đi đánh xứ người”.
Giang Lê và đồng nghiệp tại GK Archi Myanmar
Mục tiêu luôn rõ ràng và quyết liệt
Những ngày đầu tiên ở Mynamar, Giang Lê gặp nhiều khó khăn, phải đến từng công ty để gõ cửa để tự giới thiệu. “Thời điểm đó, internet ở đây chưa phát triển, các công ty không kiểm tra email hoặc khó liên lạc, tôi phải đến trực tiếp để giới thiệu về GK Archi. Loay hoay cả tháng trời, đi rất nhiều hội thảo, cuối cùng tôi cũng có hợp đồng thiết kế đầu tiên. Lúc đó niềm vui khó tả lắm. Ban đầu, nhìn một người phụ nữ đến giới thiệu mình là kiến trúc sư, nhiều người ngạc nhiên và không tin tưởng phụ nữ có thể làm tốt được công việc này. Chính vì tâm lý đó, tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều lần. Bản vẽ, phương án thiết kế phải chuẩn bị kỹ càng. Hơn nữa, khi vươn ra biển lớn, tôi luôn nghĩ phải nhập gia tùy tục, tôn trọng văn hóa địa phương, thiết kế đi liền với văn hóa. Nhờ vậy mà các bản vẽ của mình sau này đều được các nhà đầu tư thông qua”.
Thành công trên đất nước Chùa vàng là động lực thúc đẩy Giang Lê tiếp tục khai phá nhiều thị trường khác: Banglades, Mông Cổ, Cambodia.. Gặp chị, hầu hết mọi người sẽ hỏi bí quyết để thành công khi làm việc ở nước ngoài. Chị chia sẻ rất thân tình: “Có nhiều cách để tiếp cận. Dĩ nhiên, số liệu là cách tiếp cận tốt nhất. Đọc các số liệu để biết thị trường có tăng trưởng hay không, kinh tế có phát triển không.. Sau đó là bước thâm nhập bằng cách bay qua các thành phố lớn, gặp các chủ đầu tư rồi giới thiệu năng lực của công ty mình. Nếu hồ sơ năng lực kinh nghiệm chưa đủ cũng chưa là cơ sở để đi thuyết phục được. Tùy thị trường, như Myanmar, chỉ 1 tháng sau là mình có dự án. Nhưng Bangladesh thì lâu hơn, 4 – 5 tháng. Mông Cổ thì 2 tháng. Đừng quên mục tiêu mà mình theo đuổi và phải đủ quyết liệt để đi tới cùng nữa”.
Đừng để hối tiếc điều gì
Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, có lẽ bản tính độc lập, quyết đoán từ thời trẻ cho đến khi làm CEO đã giúp Giang Lê dễ dàng đưa ra các quyết sách ở những thời điểm quyết định. “Câu châm ngôn yêu thích của mình là: Hơn 90% những người trước khi mất hối tiếc những điều chưa được thực hiện, chứ họ không hối tiếc những điều đã thực hiện. Vì vậy, khi mình còn có cơ hội thì hãy thực hiện ngay. Không bao giờ là muộn để làm cả. Khi nhắm đến một quốc gia nào mới, tôi luôn tìm mọi cách để kết nối cho đến khi ký kết hợp đồng thành công mới thôi”, nữ kiến trúc sư chia sẻ với vẻ quyết đoán.
Nhiều người sẽ nghĩ, thiết kế trong nước hay nước ngoài cũng là chuyện kinh doanh, kiếm tiền. Tư duy đó không sai. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm để vươn ra biển lớn, cạnh tranh bình đẳng với kiến trúc sư ngoại như Giang Lê: “Tôi muốn nhắc lại một điều, kiến trúc sư VN, về trình độ không thua kém các đồng nghiệp nước ngoài. Chúng ta chỉ thua kém tấm bằng chưa được công nhận ở nước ngoài thôi. Vì thế, mình hãy tự tạo cơ hội cho chính mình. Khi người nước ngoài đến nước ta, cạnh tranh với chính kiến trúc sư trong nước thì mình cũng có thể sang nước bạn để cạnh tranh với họ. Thế giới phẳng, mình phải tự tin vào tài năng của mình”.
Một ngày làm việc từ 12 – 14 giờ, tuy nhiên, nữ kiến trúc sư này vẫn có những khoảng thời gian ngoài công việc. Sau mỗi dự án lớn, chị dành thời gian để nghỉ ngơi, du lịch. Tính đến nay, Hương Giang đã đi qua gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, có những nơi chỉ đến vài ngày, có nơi đi cả tháng để khám phá. Tính đến gần đây chị đã đi đến tất cả các châu lục trên thế giới. Gần đây nhất, Giang Lê vừa đặt chân đến cực Nam của Trái đất. Giang Lê cũng từng một mình đi đến Ấn Độ vốn là một nơi khá kinh khủng cho phụ nữ du lịch. Và chị cũng hoàn thành được ước mơ khám phá khu rừng già nguyên sinh Amazon tại Nam Mỹ hoặc chinh phục sườn núi nóc nhà thế giới Everest hay những đỉnh núi cao nhất tại Nam Mỹ và thánh địa Machupichu tại Peru. Giang Lê cũng tham gia lễ hội Carnival tại Brazil và các nước Nam Mỹ hay chinh phục cung đường xe đạp nguy hiểm nhất thế giới tại Nam Mỹ. Giang Lê cũng từng sống tại Thụy Điển trong thời gian chị du học tại đây và trải qua thời gian ở Trung Mỹ khi được học bổng du học tại Guatemala.
Giang Lê tại Nhật Bản cùng các đồng nghiệp Nhật Bản.
Với giáo sư Tiến sỹ Anette Kim ( MIT- Mỹ) đồng tác giả 1 dự án nghiên cứu khoa học về Quy hoạch
Cùng các đồng nghiệp tại Đại học Quốc tế Việt Đức
Tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới – Bhutan
Cùng bạn bè trong chuyến chinh phục Tây Tạng, Nepal và núi Everest
Bụi bặm trong chuyến đi tại Lào.
Tại Đất nước nghìn lẻ một đêm Iran
Trong chuyến công tác thiết kế khách sạn tại Mông Cổ.
Tại sa mạc châu Phi.
Tại Jordan (Trung Đông)
“Là dân kiến trúc nên tôi cực kỳ yêu thích bố trí, qui hoạch kiến trúc ở các nước vùng Nam Mỹ. Tôi đặc biệt thích Argentina, nhất là thủ đô Buenos Aires, kiến trúc theo phong cách châu Âu cổ điển, quy hoạch cũng rất tốt vì toàn theo bàn cờ, quy cũ nhưng phóng khoáng. Đô thị trật tự nhưng hoàn mỹ”, chị chia sẻ.
Quyết định ngược dòng là chính xác
Các chuyến đi giúp Giang Lê có thêm kiến thức văn hóa các vùng miền trên thế giới. Đây cũng là tư liệu cho chị sau này khi muốn đưa công ty vào bất cứ thị trường nào nhờ kho dữ liệu đã có sẵn về văn hóa, kinh tế, con người, tập quán ở nơi đó… “Phải am hiểu địa phương, nắm đúng thời cơ thì sẽ giành được thắng lợi”, chị khẳng định.
Sắp tới Giang Lê sẽ đến Thái Lan để nhận giải thưởng International Property Award, diễn ra vào tháng 5.2018 do Tạp chí International Property Magazines của Anh quốc trao tặng cho GK Archi. Sau đó, Hương Giang tiếp tục dự án còn dang dở, trao đổi và hoàn tất kế hoạch “tấn công” sang một số thị trường mới. “Do bằng cấp của kiến trúc sư học ở VN chưa được công nhận ở nước ngoài, không thể hoạt động độc lập được nên tôi thường chọn vài kiến trúc sư địa phương để hợp tác mở chi nhánh GK Archi ở nước ngoài. Nếu tính bài toán về kinh tế, mỗi hợp đồng thiết kế ở nước ngoài cao gấp 2 – 4 lần trong nước, Một kiến trúc sư, đồng thời là người điều hành, tôi luôn cảm thấy quyết định ngược dòng của mình băng ra thế giới là chính xác. Cứ tự tin, đường ở dưới chân mình, cứ tiến về phía trước”, Hương Giang tự tin về những kế hoạch của tương lai.
Đôi nét về Ths.KTS Lê Nguyễn Hương Giang
CEO của GK Archi.
(KTS HCM University, thạc sỹ QHDT- Darmstad University)
Giải thưởng:
Top 5 công trình đầu tư hấp dẫn nhất châu Á 2016 cho công trình The Atrium;
Top 1 công ty Kiến trúc YCDC tại Myanmar.
Giải thưởng International Property Award
Giải thưởng Top Ten BCI Awards cho Công ty Kiến trúc hàng đầu Việt Nam 2017
Top Ten – Ashui Award cho Công ty Kiến trúc Việt Nam của năm 2017.
Giải thưởng công trình biểu tượng tại Dhakar, Bangladesh.
Công trình tiêu biểu:
Dự án Sky Condominium Thuwana Yangon (Myanmar), Khách sạn Soyombo (Mông Cổ), tòa nhà Sabinco (Bangladesh), Student Cultural Center ( Việt Nam)…
Đồng tác giả về Nghiên cứu văn hóa hè phố cùng giáo sư Anette Kim (MIT- Mỹ)
Quốc gia đã đến: gần 80 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2017, thực hiện chuyến đi Bike for Bin, một mình đạp xe đạp xuyên Việt trên đoạn đường dài 1.750 km từ Hà Nội vào TP.HCM trong 13 ngày để gây quỹ giúp đỡ trẻ em bị tự kỷ.
Theo báo Thanhnien
công trình kiến trúc, công ty kiến trúc, công ty Kiến trúc GK Archi, GK Archi, Kiến trúc, kiến trúc sư, KTS Giang Lê, thiết kế kiến trúc