Kiến trúc bản địa: Từ tính bản năng đến sự bền vững theo thời gian

Kiến trúc bản địa Vernacular là loại hình kiến trúc xuất hiện gần như theo bản năng, nhưng kỹ thuật đã được cải thiện theo thời gian và hiện nay đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.

Kiến trúc Vernacular (Kiến trúc bản địa) là một loại hình xây dựng địa phương sử dụng các vật liệu và nguồn lực truyền thống vốn có sẵn ngay tại nơi xây dựng. Vì vậy, lối kiến trúc này có mối liên kết chặt chẽ với bối cảnh xung quanh, dung hòa với những đặc điểm địa lý và còn có thể kết nối với văn hóa cụ thể, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường địa phương đó.

Cũng chính bởi những đặc điểm độc đáo của loại hình kiến trúc này mà định nghĩa về nó cũng trở nên mơ hồ, khó giải thích hơn cả. Tuy nhiên, trong cuốn sách Built to Meet Needs: Cultural Issues in Vernacular Architecture 2006 (tạm dịch: Được xây dựng để đáp ứng nhu cầu: Các vấn đề văn hóa trong kiến trúc bản địa) của nhà sử học kiến trúc người Anh – Paul Oliver đã có nghiên cứu định nghĩa về lối kiến trúc này.

Cụ thể, trong phần nghiên cứu Dự án Bách khoa toàn thư về kiến trúc bản địa của thế giới, ông đã định nghĩa: Kiến trúc bản địa là lối kiến trúc bao gồm nhà ở của người dân và các công trình xây dựng khác liên quan đến môi trường và tài nguyên tương ứng của họ. Công trình kiến trúc này thường được xây dựng bởi chủ sở hữu hoặc từ cộng đồng và dĩ nhiên là sử dụng các kỹ thuật xây dựng truyền thống. Với mục đích nhằm đáp ứng các nhu cầu cần thiết, phù hợp với các giá trị, nền kinh tế và lối sống của một nền văn hóa cụ thể.

Từ định nghĩa trên, Phó giáo sư Rubenilson Brazao Teixeira (tại Đại học Liên bang Rio Grande) đã chỉ ra hai thuộc tính chính liên quan đến kiến trúc bản địa: Phong tục truyền thống và ngữ cảnh. Ông cho rằng mọi công trình  đều được xây dựng theo phong tục truyền thống từ các nhóm dân tộc cụ thể. Quá trình đó được đúc kết theo thời gian và ngày càng phát triển dựa trên các hình thức quen thuộc do các thế hệ trước tạo dựng.

Bên cạnh đó, lối kiến trúc này cũng tôn trọng các điều kiện văn hóa địa phương hay làm nổi bật sự nhạy cảm lớn của nó với bối cảnh địa lý và môi trường xung quanh bao gồm: khí hậu, thảm thực vật và địa hình.

Đặc biệt, kiến trúc bản địa đã đóng một vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay. Bởi thực tế, nó được chứng minh từ việc thành công của một số công trình có áp dụng những kiến thức về kiến trúc bản địa đã đem lại lợi ích không ngờ về sinh học và hiệu quả to lớn về tính bền vững trong kiến trúc.

Vì những lý do này, các phương pháp tiếp cận kiến trúc cổ bản địa đang được xem xét và nhân rộng trong nhiều công trình hơn, nhằm mục đích tối đa hóa hiệu quả năng lượng, kiểm soát tiếng ồn và nhiệt thụ động. Đồng thời giảm được lượng khí thải CO2 ra ngoài môi trường.

Lcucio Costa – một trong những nhà nghiên cứu chính về KT bản địa ở Brazil cuối thế kỷ 20 cũng khẳng định những cấu trúc của loại kiến trúc này xuất hiện gần như theo bản năng, nhưng kỹ thuật đã được cải thiện theo thời gian và hiện nay đang càng trở nên tinh vi hơn.

Ngoài ra, bên cạnh tính bền vững, KT bản địa còn làm sáng tỏ một vấn đề cơ bản khác ngày nay, đó chính là sự liên kết. Nó đại diện cho bản sắc văn hóa của một nhóm dân tộc nhất định và trở thành công cụ tăng sự gắn bó giữa dân cư và vị trí địa lý, giúp thúc đẩy cảm giác thân thuộc với không gian mà họ đang sống.

Điều đó đã được khẳng định một lần nữa trong cuộc phỏng vấn với văn phòng kiến trúc Angola Grupo BANGA. Tại đây, các KTS đã tuyên bố rằng việc sử dụng các vật liệu địa phương, giá thành rẻ đã mang đến một sự kết nối chặt chẽ trong mọi mặt. Đồng thời sự hòa nhập cùng với sự tham gia của cộng đồng ở địa phương giúp họ xác định được kiến trúc bản địa là lối kiến trúc tôn trọng và thích ứng được với các giới hạn vật lý cũng như công nghệ trong bối cảnh của nó. Điều đó được xem như kết quả thực sự của môi trường, con người và lịch sử của loại hình kiến trúc bản địa này.

Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)

Xem thêm:

Kiến trúc Art deco là gì?

Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM – vẻ đẹp của hình khối và tính bền vững | GK Archi – Nihon Sekkei

 , , , ,