Ở các đô thị lớn của Nhật Bản ngày nay, đa số người dân sống trong những ngôi nhà tập thể hoặc chung cư, nhưng bên trong những căn hộ chung cư này vẫn lưu giữ một vài nét đặc trưng của nhà ở truyền thống Nhật Bản.
Đặc điểm đầu tiên của nét nhà truyền thống Nhật Bản đó là tính linh hoạt, sự tự do trong bố trí, sắp xếp không gian trong nhà. Kết cấu một ngôi nhà truyền thống Nhật chỉ gồm sàn nhà, bộ khung mái và các cột đỡ, không có tường bê tông như nhà hiện đại, tạo thành không gian mở và thoáng.
Cửa là những tấm cửa trượt có khung gỗ dán giấy gạo (hay còn gọi là shoji), được sử dụng cho cả hai vách tường phòng trong và phòng ngoài. Ngoài ra, còn có những tấm màn kéo (fusuma) vừa đóng vai trò như cửa ra vào, vừa có thể làm tường chắn khi cần không gian riêng và có thể tháo ra để tạo không gian rộng hơn.
Ngày nay, trong các căn hộ chung cư không mấy rộng rãi, những cánh cửa trượt vẫn được áp dụng như một cách lưu giữ nét đặc trưng của phong cách Nhật truyền thống, nhưng được thay đổi chất liệu thành ván gỗ thay, vì khung gỗ dán giấy để phù hợp với hoàn cảnh hơn.
Đặc điểm thứ hai của nhà truyền thống Nhật Bản là sự trân trọng và yêu quý thiên nhiên, tận dụng những chất liệu từ thiên nhiên, đặc biệt là gỗ. Cho đến tận ngày nay, những ngôi nhà Nhật vẫn sử dụng kết cấu gỗ, hoặc trúc trong căn hộ, từ khung nhà, ván sàn, cửa trượt, cửa sổ, cho đến các vật dụng trong nhà, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Một ngôi nhà Nhật kiểu truyền thống thường có hình vuông chữ Điền, quay về hướng Nam hoặc Đông Nam, quanh nhà có hành lang, mái hiên rộng che mưa gió. Vì không sử dụng tường bằng gạch đá xi măng, nên bọc quanh nhà là một lớp cửa chớp bằng gỗ dày nặng gọi là amado, dùng để chắn gió bão. Lớp cửa này được ngăn cách với gian nhà trong bởi một đường hành lang quanh nhà, mỗi khi mở cửa, ngồi trong nhà có thể nhìn thẳng ra ngoài vườn.
Ngôi nhà truyền thống của Nhật thường được làm bằng các chất liệu từ thiên nhiên như gỗ, trúc
Người Nhật không xem trong nhà và ngoài vườn là hai thực thể tách biệt, không có một bức vách dày nặng nào ngăn cách giữa nhà và vườn. Hiên nhà và hành lang như một không gian chuyển tiếp từ trong ra ngoài, do vậy, dù không gian trong nhà không được rộng rãi như thế nào, thì con người vẫn luôn được hòa mình vào với thiên nhiên.
Thời nay, đa phần người Nhật sinh sống trong những ngôi nhà gạch vữa kiểu phương Tây, nhưng tình yêu thiên nhiên đó vẫn được lưu giữ đằng sau những bức tường bê tông thấp bao quanh nhà. Không khó để bắt gặp những khu vườn nhỏ xíu đầy cây xanh vươn mình ra khỏi bờ tường, những cây hồng sai quả trĩu trịt, hay những chậu hoa xinh xắn xếp thành hai hàng ngay trước lối vào nhà.
Đặc điểm thứ ba là phong cách trang trí tối giản. Tuy đơn giản, nhưng thiết kế vô cùng tỉ mỉ và tinh tế. Theo thiết kế nội thất truyền thống, kích thước sàn nhà, cột đỡ, cửa nẻo… đều có tỷ lệ cân bằng.
Một góc trong ngôi nhà truyền thống Nhật Bản
Một căn phòng Nhật điển hình thường trải chiếu tatami, một loại thảm trải sàn truyền thống làm từ rơm rạ. Chiếu tatami thường có kích thước tiêu chuẩn (có thể khác biệt tùy vùng miền), thường có chiều dài gấp đôi chiều rộng, nên chiếu tatami thường được dùng làm đơn vị đo đạc kích thước của căn phòng. Đơn vị này được gọi là “jo”.
Căn phòng trải được bao nhiêu tấm chiếu thì gọi là bấy nhiêu “jo”. Những căn phòng truyền thống thường rộng bằng 4 jo, 6 jo, 8 jo, 10 jo hoặc 12 jo. Theo truyền thống, người Nhật ngồi và nằm ngủ ngay trên sàn, chứ không ngồi ghế hay nằm giường cao, bởi vậy chiếu tatami là thứ cần thiết để ngăn hơi lạnh từ dưới đất ngấm lên người.
Trong phòng kiểu Nhật thường rất ít đồ đạc và có tính linh hoạt cao, có thể thay đổi chức năng cho căn phòng tùy ý. Nhờ vậy, dù ngôi nhà có nhỏ đến đâu, nhưng cuộc sống của gia đình trong nhà vẫn tương đối thoải mái.
Đặc biệt, trong một căn phòng tiếp khách Nhật truyền thống điển hình, bạn có thể sẽ bắt gặp “tokonoma” – một hốc tường trong phòng được tôn cao hơn nền phòng một chút, nằm ở hướng ánh sáng chiếu vào. Đây là nơi mà chủ nhà có thể trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, như tranh vẽ, thư pháp, hay tác phẩm cắm hoa ikebana. Bên cạnh tokonoma có thể có “chigadana” – một giá gỗ nhỏ để trưng bày những vật nhỏ hơn, ví dụ như gốm sứ. Bởi vậy, sẽ rất bất lịch sự nếu đứng hoặc ngồi lên nơi đó.
Ban đầu, nơi này được dùng để quỳ lạy thần linh, nhưng về sau dần hình thành kiểu cách cố định và chuyển sang tính chất trang trí. Tuy nhiên, ngày nay, không phải trong ngôi nhà Nhật nào cũng có thiết kế tokonoma.
Nhật Bản là một đất nước vừa cởi mở lại vừa truyền thống, hướng nội. Có thể thấy rõ điều đó từ những ngôi nhà. Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bên trong những ngôi nhà gạch vữa kiểu Tây Dương tiện nghi, những giá trị truyền thống đẹp đẽ vẫn luôn vững bền.
Bùi Trang
(Đầu tư Bất động sản)