Chuyên đề “Eastern Bloc Architecture: 50 Buildings that Defined an Era” (Kiến trúc Khối Phương Đông: 50 tòa nhà định hình kỷ nguyên) là sự kết hợp giữa The Calvert Journal và ArchDaily thực hiện để mang tới những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng định hình thế giới phương Đông. Dưới đây là 5 trong số 50 công trình theo chủ đề những nhà ở nguyên khối ấn tượng trong thế kỷ 20.
1. Narkomfin Building / Moisei Ginzburg and Ignaty Milinis
Địa điểm: Moscow, Nga
Năm hoàn thiện: 1932
Narkomfin là một trong những tòa nhà nổi tiếng và gây tranh cãi nhất trong Chủ nghĩa kiến tạo (Constructivism) [1] của Liên Xô. Nằm ngay gần đường vành đai trung tâm của Moscow, khu dân cư này đại diện cho một giai đoạn mới trong nỗ lực của những nhà tiên phong trong phong trào Xu hướng tạo dựng nhằm thay đổi nhận thức nhân loại thông qua kiến trúc. Được hoàn thành vào năm 1932, từng chi tiết của cấu trúc tòa nhà được thiết kế để thể hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho lý tưởng hóa xã hội đầu tiên của Liên Xô, tạo không gian cộng đồng chung, biến Narkomfin trở thành bản thiết kế kiến trúc nhà ở tập thể.
Tuy nhiên, ngay sau khi xây dựng xong, những lý tưởng giải phóng truyền cảm hứng cho thiết kế của tòa nhà đã bị chế độ Stalin coi là phe “cánh tả” hoặc “Trotskyist” [2] và do đó biểu tượng cộng sản này dần bị mai một. Nhưng ngay cả khi nó bị chính quyền bỏ qua kiến trúc tiên phong phù hợp với lối sống cộng đồng của Liên Xô thời đó thì nơi này đã sớm trở thành nơi cư trú của cộng đồng sáng tạo không đồng nhất với sự chú trọng mạnh mẽ vào sự không phù hợp.
Các công trình cải tạo trên Narkomfin, với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Moscow, cuối cùng cũng đã được tiến hành năm 2017. Dự án do Alexey Ginzburg – cháu của kiến trúc sư của tòa nhà, Moisei Ginzburg – đứng đầu – đã biến không gian thành những căn hộ sang trọng trong khi vẫn tuân thủ thiết kế ban đầu của tòa nhà, bao gồm cả vật liệu và cách phối màu.
Gần 90 năm sau khi xây dựng, bất chấp những khác biệt về chính trị, xã hội và kinh tế đã chia cắt thời đại tạo ra nó và ngày nay, Narkomfin vẫn tiếp tục được ca ngợi vì ý nghĩa lịch sử và tài kiến trúc mà nó mang tới.
2. Romanița / Oleg Vronsky, A. Marian, O. Blogu, S. Krani, N. Rebenko, P. Feldman
Địa điểm: Chișinău, Moldova
Năm hoàn thiện: 1986
Được đặt với cái tên “hoa cúc”, tháp Romanița không hoàn toàn giống như một bông hoa. Tuy nhiên bê tông hình trụ bán thiên hà này lại giữ một vị trí đặc biệt trong đường chân trời của thủ đô Moldovan. Nguồn gốc của tòa nhà tới nay vẫn còn là một bí ẩn: một số người cho rằng Romanița được thiết kế như khu nghỉ dưỡng cho các nhân viên tại Bộ Xây dựng thời đó; một số ý kiến khác cho rằng đây lại là khách sạn. Một số người khác còn cho rằng có một nhà hàng xoay được cho là được đặt trong cấu trúc kiến trúc trên đỉnh tháp.
Thay vào đó, tòa tháp Romanița cao 23 tầng đã đưa vào hoạt động vào năm 1986 với tư cách là tòa nhà dân cư sau khi nhu cầu nhà ở tăng nhanh chóng vào giữa những năm 1970.
Về mặt kiến trúc, tòa nhà nhấn mạnh ở điểm: mỗi đơn vị sống trên tất cả 16 tầng cho dân cư đều được xây dựng theo bố cục hình tròn và được nâng đỡ bởi trung tâm cấu trúc. Mỗi tầng có tám căn với hai phòng có lối đi ra sân hiên và tất cả các căn đều được kết nối với nhau bằng hành lang tròn đón ánh sáng tự nhiên.
Romanița vẫn đứng vững qua thời gian và các đơn vị này hiện thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, thiết kế tiên phong của nó vẫn không đáp ứng đủ không gian cho các hộ gia đình. Để mở rộng căn hộ, một số gia đình đã bắt đầu xây dựng ban công bằng gạch tạm bợ mà điều này đe dọa tới sự cân bằng của tòa nhà.
Romanița là một phần nội tại của di sản chủ nghĩa hiện đại tại Chișinău nhưng tòa tháp mang tính biểu tượng này cũng là một chứng nhân đáng buồn về sự xuống cấp của đô thị, và phải được cải tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn nhà ở ngày nay.
3. Obolon Residential Buildings / Budilovsky M., Kolomiets V., Katsin V., Morozov V., Ivanov I., and Ladnyi V.
Địa điểm: Kyiv, Ukraine
Năm: 1981/1990
Hai tòa nhà mang tính biểu tượng ở quần đảo Obolon (Kyiv) được xây dựng cách nhau gần 10 năm nhưng thiết kế nguyên khối của chúng lại phản ánh lẫn nhau. Được đặt biệt danh là “romashky” hoặc “kukuruzy” – có nghĩa lần lượt là “hoa cúc” hoặc “lõi ngô” nhờ vào đặc điểm giống với những loài cây thân mảnh – các tòa tháp ở Obolon là thành tựu về kiến trúc.
Cấu trúc tòa nhà chọc trời này được lắp ráp bằng cách sử dụng ván khuôn leo [3], một kỹ thuật phức tạp được sử dụng để xây dựng nhà cao tầng. Mỗi tầng của tòa tháp nằm trên trung tâm nguyên khối cứng và một loạt giá treo ở chân, tạo nên cảm giác tòa nhà có vẻ ngoài gần như lơ lửng.
Vào đầu những năm 1990, những tòa nhà này được đánh giá vô cùng sang trọng và là nơi ở của giới tinh hoa tại thủ đô Ukraine. Nhiều năm trôi qua, do không được cải tạo toàn bộ tòa nhà hoặc dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ mà các chủ sở hữu tư nhân mới của các căn hộ bắt đầu sửa đổi các tòa nhà Obolon. Ngày nay, những ăng-ten đĩa vệ tinh nằm rải rác trên mặt tiền và ban công đã được bao phủ bởi kính hai lớp, làm giảm đi vẻ hiện đại, kiểu dáng đẹp đẽ của tòa tháp mang tính biểu tượng của Kyiv.
4. Ploiesti-Nord District / Daniel Guj
Địa điểm: Bucharest, Romania
Năm: 1971
Ploiesti-Nord District là mô hình thu nhỏ theo chủ nghĩa hiện đại: được hình thành như một khu dân cư tập thể với không gian sống bao gồm 10.000 căn hộ, hai khu phức hợp thương mại, trường học và những mảng xanh. Khu phức hợp được xây dựng vào năm 1971 tại Ploiesti, một thành phố vệ tinh của Bucharest. Hướng theo phong cách của những năm 60 và 70, Ploiesti-Nord District được thiết kế với những khối bê tông, những trục thẳng và bố cục hình học được ngăn cách bởi những không gian xanh và cộng đồng.
Thoát khỏi sự ồn ào thường thấy ở những khu tập thể, tòa nhà được trang trí bằng những lưới màu cam nhạt cùng những khảm xanh lam và xanh lá cây để tô điểm cho mặt tiền.
Tuy nhiên, những năm tháng vàng son của Ploiesti-Nord District nhanh chóng lụi tàn. Ngay sau khi xây dựng xong, thủ đô của Romania đã bị rung chuyển bởi một trận động đất lớn năm 1977, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tòa nhà.
Artisans ’Complex, hiện có một nhà máy dệt, có chủ sở hữu duy nhất đã đứng ra khôi phục và bảo tồn tòa nhà cũng như mặt tiền cong mang tính biểu tượng này. Phần còn lại đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng và có nguy cơ biến mất một công trình mang tính biểu tượng của di sản chủ nghĩa hiện đại ở Romania.
5. Tòa nhà dân cư Gosstroy / Alexander Belokon, V. Sulimova
Địa điểm: Baku, Azerbaijan
Năm: 1975
Nép mình ở trung tâm thủ đô Azerbaijan, tòa nhà 16 tầng này nổi bật với chiều cao và hình dạng hình thang khác thường của nó. Gosstroy được xây dựng vào năm 1975, thời kỳ được gọi là “Chủ nghĩa hiện đại Baku” – khi thiết kế xã hội chủ nghĩa nở rộ ở Azerbaijan. Một trong những bộ óc xuất chúng đằng sau tòa nhà là Alexander Belokon, một sinh viên tốt nghiệp Học viện Kiến trúc của Moscow, người rất nổi tiếng với những hình dạng đặc trưng của nó – và tòa nhà Gosstroy cũng không phải là ngoại lệ.
Với mặt tiền nhiều mặt khác thường, tòa nhà giống như một chiếc đàn accordion bằng bê tông và các tầng trên cùng chắc chắn cung cấp tầm nhìn tuyệt đẹp ra Baku. Thật không may, chính những nét khác thường của nó đã kéo theo số phận dường như không thể tránh khỏi của các tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại: sau nhiều năm mục nát và bị các cơ quan công quyền bỏ rơi, những người hàng xóm đã tự giải quyết vấn đề và bắt đầu sửa đổi ban công của tòa nhà. Tuy nhiên, tòa nhà dân cư Gosstroy vẫn đứng vững, và mặc dù mặt tiền đã được tái tạo lại, nó vẫn giữ được bầu không khí chiết trung [4] ban đầu.
Chú thích:
[1]: Xu hướng tạo dựng/Chủ nghĩa kết cấu là phong trào nghệ thuật và kiến trúc xuất hiện tại Nga vào thế kỉ 20 (cụ thể trong giại đoạn từ 1915-1940)
[2]: Chủ nghĩa Trotsky là tên được đặt cho hệ tư tưởng chính trị của nhà cách mạng người Nga Leon Trotsky. Trotsky tự nhận mình là người đi theo chủ nghĩa Mác-xít và Bôn-sê-vích – Lê-nin chính thống.
[3]: Một dạng ván khuôn sử dụng trong ngành công nghiệp xây dựng, được nâng chuyển lên cao theo chu kì và thường được cấu tạo từ ván khuôn cỡ lớn.
[4]: Phong cách đại diện cho sự bình đẳng, không tuân theo những luật lệ trước đó mà pha trộn kết hợp cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây, vừa có nét khoa trương và khiêm tốn, ồn ào và yên tĩnh và thể hiện được cái tôi của mỗi người.
Nguồn: Biên dịch | Vũ Thị Hương (Nguồn: Archdaily) – Kienviet.net
Xem thêm:
Những thuật ngữ quy hoạch và concept các kiến trúc sư nên biết
Nhà văn hóa Sinh Viên TP. HCM – Sáng tạo mới cho làng đại học
công ty Kiến trúc GK Archi, Kiến trúc phương Đông, kiến trúc sư, thiết kế kiến trúc