KTS. Takaharu Tezuka được biết đến với những tác phẩm gắn liền với thiên nhiên, đem giá trị công trình vượt qua rào cản của công nghệ và thời gian.
Không phải ngẫu nhiên mà không gian sống của người Nhật luôn được thế giới ngưỡng mộ. Tại đất nước mặt trời mọc, hầu như mọi công trình đều gắn bó hài hòa cùng thiên nhiên, thậm chí, người ta có thể bắt gặp những tán cây cổ thụ mọc xuyên qua công trình đồ sộ, những tòa nhà nằm sâu 5m dưới lớp băng tuyết. Điều này có được nhờ sự tôn trọng thiên nhiên và khả năng sáng tạo vượt bậc của các kiến trúc sư (KTS) Nhật Bản. Nổi bật trong số đó là KTS. Takaharu Tezuka.
Kiến trúc sư của những công trình vượt thời gian
KTS. Takaharu Tezuka là Giáo sư Trường Đại học Tokyo, đồng thời là nhà sáng lập và chủ tịch của công ty Tezuka Architects. Từ khi đến với sự nghiệp kiến trúc, Tezuka Architects liên tiếp cho ra đời những tác phẩm ấn tượng và được công nhận bằng nhiều giải thưởng lớn. Một số công trình tiêu biểu của ông bao gồm: “Trường mẫu giáo Fuji” – công trình có phần móng đan xen cùng bộ rễ của 3 cây sồi cổ thụ vẫn đang tiếp tục sinh sôi và cho bóng mát; “Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Echigo Matsunoyama” – có khả năng nằm sâu 5m dưới lớp băng tuyết; Công trình “Woods of Net” – chỉ với cấu kiện gỗ lắp ghép không dùng đến kim loại nhưng vẫn tạo thành không gian 320m3 trưng bày nghệ thuật và vui chơi cho trẻ em…
KTS. Takaharu Tezuka được biết đến với những tác phẩm gắn liền với thiên nhiên, đem giá trị công trình vượt qua rào cản của công nghệ và thời gian.
Điều đặc biệt mà các tác phẩm của KTS. Takaharu Tezuka thể hiện chính là khả năng phá vỡ ranh giới khô cứng do công nghệ tạo ra, đánh thức thiên nhiên và đưa con người trở về nền tảng của sự sống.
Với công trình “Trường mẫu giáo Fuji”, KTS. Takaharu Tezuka tạo ra một không gian liên kết độc đáo giữa trẻ nhỏ và thiên nhiên. Mảnh đất xây trường vốn là 1 khu đất mát mẻ nhờ bóng của 3 cây sồi lớn. Thay vì hủy hoại bóng mát tự nhiên đó rồi phải làm mát công trình bằng phương pháp nhân tạo, KTS. Takaharu Tezuka bảo lưu cả 3 cây sồi. Ông tận dụng triệt để đặc thù của cây để tạo ra môi trường mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thúc đẩy trẻ vận động. Phần móng công trình đan xen cùng rễ cây được thi công tỉ mỉ như một dự án khảo cổ để hệ thống rễ không bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo độ bền vững của tòa nhà.
Trường mẫu giáo Fuji được xây dựng với 3 cây sồi đan xen trong nền móng (theo nguồn: TOTO)
Bên cạnh quá trình xây dựng cầu kỳ, công năng của công trình này cũng là một câu chuyện thú vị. Trường mẫu giáo Fuji được thiết kế dựa trên hiểu biết sâu sắc của KTS. Takaharu Tezuka về thói quen và nhu cầu của trẻ nhỏ. Ông thiết kế tỉ mỉ về cả âm thanh, ánh sáng, không khí,… để trẻ có được môi trường trải nghiệm tối đa mọi giác quan. Theo KTS. Takaharu Tezuka, kiến trúc có thể thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống và ngôi trường này là một nỗ lực để thay đổi cuộc sống bọn trẻ.
Trong công trình Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Echigo Matsunoyama, vấn đề cần được KTS. Takaharu Tezuka giải quyết lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Vùng núi Matsunoyama – nơi xây dựng công trình này là khu vực thường có tuyết rơi rất dày, vì vậy, ông xây dựng bảo tàng Echigo Matsunoyama bằng kim loại có thể giãn nở và đổi màu theo nhiệt độ ngoài trời. Vào mùa đông, bảo tàng có thể chìm sâu trong băng tuyết như một chiếc tàu ngầm với khả năng chịu đựng áp lực lên đến 2.000 tấn tuyết.
KTS. Takaharu Tezuka cũng thiết kế cho tòa nhà này hệ thống cửa sổ bằng acrylic dày, giúp du khách có thể ngắm nhìn cuộc sống bên trong lòng tuyết. Vào mùa hè, những ô cửa này lại là nơi để du khách chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên muôn màu của vùng đồi Matsunoyama hùng vĩ.
Từ cửa sổ của Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Echigo Matsunoyama, du khách có thể ngắm nhìn cuộc sống bên trong lòng tuyết vào mùa đông và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ vào mùa hè (theo nguồn: TOTO)
Điểm nhấn chung trong các công trình của Takaharu Tezuka là khả năng tận dụng tối đa yếu tố thiên nhiên và giảm thiểu ảnh hưởng của máy móc. Chính vì không phụ thuộc vào công nghệ nên các tác phẩm của ông không bao giờ trở nên lỗi thời và có thể tạo nên những giá trị bền vững lâu dài.
Thiên nhiên – chất liệu bất tận để tạo tác nên kiến trúc vượt thời gian
Kiến trúc sư Takaharu Tezuka từng chia sẻ: “Chúng ta thường nghĩ kiến trúc sẽ bảo vệ con người khỏi những biến đổi của thiên nhiên. Nhưng đó là một sự sai lầm. Con người là một phần của tự nhiên, kiến trúc không có chức năng bảo vệ con người hay chống lại thiên nhiên mà kiến trúc chính là sợi dây liên kết giữa cảnh quan xung quanh và con người.”
Sự phát triển của thiết bị thông minh đánh dấu những tiến bộ vượt bậc của nhân loại nhưng cũng vô tình bó buộc chúng ta trong không gian nhân tạo. Hiện đại hoá, đô thị hoá đang tạo ra ranh giới tuy mỏng manh nhưng khó vượt qua, khiến chúng ta ngày càng quên trải nghiệm thân thuộc của bầu trời xanh, làn gió trong mát… Nhất là đối với một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, ranh giới này là nguy cơ của xã hội và là thách thức đối với những người làm kiến trúc.
Để góp phần đóng góp cho sự phát triển của làng kiến trúc Việt Nam, TOTO sẽ mời KTS. Takaharu Tezuka đến để chia sẻ sâu sắc hơn cùng các kiến trúc sư trẻ Việt Nam về sự hài hoà giữa tự nhiên và kiến trúc với chủ đề “Tương lai hoài niệm” (Nostalgic Future).
Chương trình thuộc khuôn khổ sự kiện Artchitect Talk được TOTO tổ chức thường niên với diễn giả là các KTS danh tiếng thế giới. Năm nay buổi diễn thuyết sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 30.11.2019. Đi cùng với sự kiện này là cuộc thi thiết kế “Cảm tác vẻ đẹp tự nhiên giữa lòng đô thị” để tìm kiếm giải pháp thiết kế đánh thức tự nhiên từ các bạn trẻ yêu kiến trúc.