Chúng ta định nghĩa khuyết tật ra sao? Đó không chỉ là khiếm khuyết một số người mắc phải, thực chất bất kỳ ai cũng từng trải qua những thiếu sót vào một lúc nào đó trong đời, tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đến đây chắc người đọc sẽ tự hỏi sự khuyết tật có liên quan gì tới kiến trúc, chẳng phải kiến trúc phải lấy sự thoải mái của con người làm trọng tâm? Kiến trúc và thiết kế cho người tàn tật là như thế nào?
Kiến trúc tập trung vào việc tạo ra không gian sống cho mọi người trải nghiệm. Đã có những dự án do các kiến trúc sư từ khắp các quốc gia thiết kế cho từng nhóm người khuyết tật khác nhau. Công ước về Quyền của Người khuyết tật do Liên Hợp Quốc soạn thảo nhằm đảm bảo quyền bình đẳng và sự tôn trọng dành cho họ. Nhưng đã bao nhiêu lần chúng ta thực sự để ý đến sự tiện nghi trong các công trình của người khuyết tật?Đã có nhiều quốc gia tiến hành phát triển hạ tầng giao thông như Helsinki (Phần Lan), nơi có hệ thống tàu điện được gắn thêm một cầu dốc ngắn nằm ngang với sàn phương tiện. Ở Bắc Kinh, Trung Quốc và New Delhi thì có xe buýt sàn thấp để tiện việc di chuyển cho người khuyết tật.
Các kiến trúc sư đã nhào nặn nhiều ý tưởng liên quan đến chủ đề này. Điển hình là năm 2013, một số văn phòng như Zaha Hadid Architects, Adjaye Associates, AMODELS và nhiều nhà tài trợ khác đã cùng nhau gây quỹ từ thiện tại buổi đấu giá những “công trình tí hon” do họ thiết kế. Vốn không lạ lẫm gì với những công trình đủ mọi quy mô, họ đã cùng ngồi lại và dành thời gian sáng tạo các mô hình nhỏ để tạo tiền đề giúp đỡ người kém may mắn hơn với một kiểu kiến trúc mới mang tên “Nhà Búp Bê.”
Một ví dụ tiêu biểu về nhà ở cho người khuyết tật là Laurent House (1952) – công trình cấp tiến trước cả thập kỷ của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Dù đây là ngôi nhà duy nhất ông làm cho người khyết tật, nó vẫn được công nhận và được tân trang lại thành viện bảo tàng.
Trong những năm gần đây, các công trình cộng đồng như trung tâm y tế, trường học hay khu dân cư đang được chú trọng xây dựng. 40 năm trước khi Frank Lloyd thiết kế Laurent House, Rem Koolhas đã tạo ra Maison Bordeaux. Dù là nhờ thiết kế đa tầng hay vị trí tọa lạc bên đồi với tầm nhìn toàn cảnh thành phố, công trình này thực sự đáng kinh ngạc.
“Trái với những gì mọi người mong đợi, tôi không muốn một ngôi nhà đơn giản. Tôi muốn nó trông thật phức tạp để phản ánh thế giới của mình.” – Jean Francois Lemoine, khách hàng
Koolhas đã chấp nhận thử thách và khiến mọi người sửng sốt với những chi tiết được vận dụng sáng tạo. Xe lăn có thể đi lại dễ dàng xuyên suốt ba tầng nhà nhờ hệ thống thang máy kiêm chức năng văn phòng. Công trình này cũng là chủ đề trong bộ phim tài liệu về kiến trúc mang tên Houselife, do người quản gia lâu năm của căn nhà dẫn chuyện.
Những chi tiết này không chỉ hạn chế trong lĩnh vực dân sự. Thế vận hội Paralympic đòi hỏi một môi trường không có rào chắn để đảm bảo chất lượng tập luyện và sức khỏe. Năm 2012, văn phòng kiến trúc Baldinger đã thiết kế Trung tâm Thể dục & Thể thao cho Người khuyết tật trên một diện tích 45000 feet vuông, phòng tập có một không hai này được dựa trên ý tưởng về một môi trường hoàn toàn cho phép người dùng đi lại thỏa mái.
Bản thiết kếthông minh không hướng đến sự đơn giản về không gian, nó chơi đùa với những chi tiết bằng cách sử dụng các vật liệu khác nhau. Một ví dụ tiêu biểu là trường Hazelwood ở Glasgow (Alan Dunlop Architects) cho trẻ em bị khiếm hai giác quan nghe-nhìn.
“Tôi muốn dành công sức cho một ngôi trường có thể cung cấp đủ đầy nhu cầu của các em và niềm hy vọng của cha mẹ, nơi trút bỏ gánh nặng của giáo viên và gây dựng cảm hứng cho con trẻ.” – Alan Dunlop
Trẻ con học hỏi từ trải nghiệm. Ngôi trường mang những nét thiết kế để kích thích khứu giác, vị giác và xúc giác, gợi lên ý niệm rõ rệt về không gian, đề cao sự khám phá và phát triển độc lập.
Tôi luôn muốn tạo ra một công trình mà người có khiếm khuyết hay không vẫn có thể tương tác tốt. Chẳng hạn như trung tâm cho người khuyết tật ở Đan Mạch do Cubo & Force4 Architects thành lập. Tổ chức đề xướng ý tưởng đã duy trì mọi nỗ lực để làm nên văn phòng quy mô này. Họ tin rằng những quy chuẩn chung là yếu tố quyết định kích thước công trình, nhưng chúng tôi thấy cần đặt nhu cầu của người khuyết tật làm gốc. Khi bản vẽ cho phép sự tương tác của tất cả mọi người được đưa ra, nó đã mở mang tầm nhìn vượt xa mọi tiêu chuẩn thông thường cho chúng tôi.
“Chúng ta cần loại bỏ các rào chắn, đầu tư tiền bạc và chuyên môn hiệu quả để khai mở tiềm năng to lớn mà người khuyết tật có thể mang lại.” – Giáo sư Stephen Hawking
Không thể phủ nhận các nỗ lực, nhưng đã đến lúc xóa bỏ mọi ranh giới giữa người bình thường hay có khiếm khuyết, hướng đến sự thống nhất trong thiết kế kiến trúc và quyền bình đằng, khuyết điểm của ta cũng chính là cơ hội để làm những điều mới mẻ.