Ngày 21/05-26/05/2018, đoàn KTS Việt Nam tham gia thương thảo và bàn về việc công nhận hành nghề lẫn nhau tại thị trường chung của các KTS Asean, đặc biệt là các KTS Việt Nam tại Singapore.
Tham gia hội nghị có các KTS của Bộ xây dựng Việt Nam do KTS Phạm Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng KTS Asean, Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ xây dựng dẫn đầu. Cùng tham gia có các KTS hành nghề tại Việt Nam và đặc biệt có KTS Giang Lê, người từng nhiều năm hành nghề và phát triển công ty GK Archi của Việt Nam hành nghề tại các nước trong khu vực.
Với sự tham gia của một công ty Việt Nam có đăng ký ở các nước trong khu vực gồm nhiều KTS Việt Nam hành nghề tham gia nêu lên những bất cập, thiếu sót và những khó khăn thực tế khi hành nghề quốc tế của các KTS Việt Nam trong khu vực. Và đặc biệt hy vọng bằng cấp và chứng nhận năng lực của các KTS Việt Nam được công nhận trong khu vực. Các cuộc hội thảo được kỳ vọng sẽ nêu bật được những kinh nghiệm tư vấn kiến trúc cụ thể hơn cho đoàn KTS Việt Nam trong kỳ họp lần này.
Việt Nam đã có hơn 5 năm thực thi “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về Dịch vụ Kiến trúc trong ASEAN” (ASEAN Multual Recognition Arrangement on Architectural Services – MRA). Với những hoạt động mang tính thường xuyên của một quốc gia thành viên, Việt Nam đã góp phần tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực trong lĩnh vực hành nghề tư vấn kiến trúc.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia có KTS ASEAN sớm nhất cho đến nay, đã có 17 KTS của Việt Nam được công nhận và đăng bạ trong danh sách KTS ASEAN. Tuy nhiên để thúc đẩy thực tế hành nghề tư vấn kiến trúc trong khu vực được thuận lợi cho các KTS Việt Nam, chúng ta cần tăng cường thêm lực lượng KTS Asean Việt Nam. Hiện tại so với một số nước trong khu vực, về số lượng các KTS Asean của Việt Nam còn rất khiêm tốn và đặc biệt KTS Asean hoạt động trong các môi trường quốc tế trong khu vực thì hầu như chưa có nhiều.
Thực tế được công nhận là KTS Asean mới chỉ là điều kiện cần để các KTS của chúng ta được chấp thuận hành nghề tại nước sở tại. Bên cạnh việc là KTS Asean, chúng ta còn vấp phải khá nhiều các ràng buộc liên quan nhưng là các chứng chỉ để được hành nghề tại nước sở tại và các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế khác biệt và những quy định về phát luật có nhiều ràng buộc.
Theo chia sẻ của KTS Giang Lê tại diễn đàn, công ty của chị vấp phải khá nhiều ràng buộc về luật pháp, các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi hành nghề. Công ty GK Archi thực hiện khá nhiều dự án tại Myanmar nhưng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Myanmar đa phần đang xây dựng và áp dụng chủ yêu tiêu chuẩn thiết kế của Singapore và của Mỹ, Anh. Cũng như việc được đứng tên chủ trì, chủ nhiệm cho dự án hoặc mở chi nhánh hoặc công ty thiết kế thì một số nước vẫn không công nhận KTS Việt Nam, dù có chứng chỉ KTS Asean hay không hoặc thậm chí là chứng chỉ hành nghề của nước sở tại.
Các cuộc họp của Hội đồng KTS Asean vẫn đang tiếp diễn đến hết ngày 26.05.2018. Rất hy vọng nhận được nhiều thông tin tốt đẹp từ các cuộc thảo luận đến các KTS Asean Việt Nam khi mong muốn được công nhận năng lực trong ngôi nhà chung KTS Asean và công việc hành nghề tư vấn kiến trúc trong khu vực Asean.
GK Archi, KTS Giang Lê