“Liệu có ngu ngốc hơn là đưa tất cả những người buôn bán đồ đạc ở Faubourg Saint-Antoine, tất cả những người buôn bán đồ thủy tinh ở đường Paradis, tất cả những người thợ may ở đường Sentier, tất cả những người Do Thái ở đường Rosiers, tất cả các sinh viên ở khu phố Latinh, tất cả các nhà xuất bản ở Saint-Sulpice, tất cả các bác sĩ ở phố Harley và tất cả người da đen ở Haarlem?”.
Trong suốt những bài phê bình về xã hội, về quy hoạch và cách thức hình thành xã hội theo ý thức hệ của tầng lớp thượng lưu, nhà phê bình xã hội nổi tiếng của Pháp, Georges Perec đã phải thốt lên những câu cảm thán về sự ngu ngốc trong cách xã hội hình thành những năm đầu thế kỷ 19 ở châu Âu.
Georges Perec đoạt giải thưởng Renaudot năm 1965 về chủ đề phục hồi tinh thần của thời đại vào buổi bình minh của xã hội tiêu dùng. Ông phê phán việc xã hội hình thành theo dạng cách ly từng các khu riêng biệt theo tầng lớp giàu nghèo dẫn đến sự phân cách xã hội. Người giàu thì càng giàu, người nghèo thì càng nghèo và càng ngày càng tách biệt với nhau.
Không chỉ riêng xã hội nước Pháp những năm đầu thế kỷ thứ 19, các quan điểm về sự định hướng, quy hoạch xã hội hay quy hoạch đô thị mới được nhắc đến với nhiều tranh cãi. Ở Việt Nam, đầu những năm 2020, cũng từng có những tranh cãi, những phát biểu hoặc những quan điểm liên quan đến việc hòa trộn xã hội hay những hình thức cách ly, phân biệt rõ từng tầng lớp cư dân.
Trong quy hoạch đô thị ở tầm vĩ mô luôn có nhiều hơn 2 luồng trái chiều về cách thức định hướng quy hoạch xã hội, đô thị hay xa hơn là quy hoạch phân khu chức năng. Cụ thể là hòa trộn hay phân tán cách ly.
Sự hòa trộn xã hội (La mixite sociale: tiếng Pháp) cũng nằm trong chương trình đấu tranh của cộng đồng (không phải là cuộc đấu tranh của cư dân) chống lại sự phân biệt xã hội. Những sự đấu tranh này dẫn đến sự hòa trộn của các chức năng không gian khác nhau: nhà ở tư nhân và nhà ở xã hội, các khu công cộng hay tiện ích. Trong đó các không gian công cộng hay tiện ích luôn đóng vai trò như một “không gian hòa giải” (médiateur: tiếng Pháp).
Một vấn đề khá nhức nhối và phổ biến tại các nước đang phát triển là vấn đề về sự phân hóa giàu nghèo nhanh chóng và hình thành những cộng đồng khá phổ biến nằm ngoài sự kiểm soát của định hướng phát triển xã hội. Ngày càng có khá nhiều những ý kiến, tư tưởng ủng hộ cho việc phân hóa xã hội theo tầng lớp dựa vào điều kiện kinh tế. Sự phân hóa này loại trừ các yếu tố về văn hóa, tri thức và giáo dục. Bằng việc hình thành các đô thị, các khu nhà ở được gắn mác cao cấp, sự tách biệt giữa người có điều kiện về kinh tế và những người không có điều kiện kinh tế càng rõ rệt.
Những người có điều kiện kinh tế thường có xu hướng không chấp nhận chia sẻ chung không gian sống, sinh hoạt với những người được cho là có tầng lớp thấp hơn. Một khu đô thị mới nếu có yếu tố nhà ở xã hội đi kèm thường khó bán và không có tính thanh khoản cao.
Định hướng quy hoạch xã hội, quy hoạch đô thị theo định hướng xã hội chủ nghĩa thường hướng đến một xã hội công bằng hơn cho tất cả mọi thành phần của xã hội. Nên việc hòa trộn xã hội là một điều hướng đến trong công tác quy hoạch. Tuy nhiên không ít những ý kiến cho rằng việc để người nghèo và người giàu sống chung, sinh hoạt chung trong một không gian đô thị được giới hạn bởi trong một lớp phân cách địa lý là điều không thể có trong điều kiện xã hội Việt Nam.
Trên thực tế, đây là một trong những khuynh hướng tồn tại trong các nước đang phát triển hoặc trong các giai đoạn đang phát triển của các nước phát triển. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng xã hội cũng như dẫn đến sự hình thành sự phân hóa xã hội và càng ngày càng mất đi sự định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như sự phát triển bền vững.
Ở một khía cạnh nào đó khi nhắc về sự quan trọng của yếu tố hòa trộn xã hội trong công tác quy hoạch, các nhà quy hoạch có tư tưởng không ủng hộ thường cố gắng giải thích về sự đa dạng của xã hội và đặc tính của từng nhóm, từng thành phần là không thể đặt cạnh nhau. Và tập trung chú trọng vào sự phát triển nhanh chóng của một thành phần có thể tạo nên thặng dư cao cho xã hội và quên đi nghĩa vụ phải kéo theo cả những thành phần khác để tạo nên một xã hội công bằng và bền vững.
Chính sách ưu tiên phát triển kinh tế trước phát triển xã hội có thể là một con dao hai lưỡi mang đến nhiều hệ lụy cho xã hội nếu không thể kiểm soát được sự gia tăng ngày càng rộng trong khoảng cách về giàu nghèo. Nếu tách người giàu ra khỏi người nghèo thì sự phân hóa xã hội ngày càng rộng. Và một xã hội có thước đo bằng sự giàu nghèo là một xã hội không thể có sự bền vững khi sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những hệ lụy và những sự phản đối do chính sách phát triển mất cân đối.
Riêng về khía cạnh quy hoạch đô thị, những nhà quy hoạch đô thị chung, những nhà phản biện hoặc xây dựng chính sách quy hoạch phải thực sự là những người trước hết là có tâm và sau đó là có tầm. Tầm chính là tầm nhìn mang tính vĩ mô, mang tầm nhìn về một xã hội, một đô thị bền vững từ chính trong cấu trúc về quy hoạch đô thị trước khi hướng đến sự phát triển bền vững. Một nhà đô thị học, nhà phản biện phải mang theo những sự ưu tư đúng đắn với tầm nhìn từ tương lai và phải biết từ chối những sự phản khoa học trong sự sắp xếp hình thái đô thị.
Và quan trọng hơn trong việc giải quyết, xử lý, định hướng quy hoạch các không gian đô thị mang nhiều lớp văn hóa lịch sử cũng sự tồn tại sẵn xu hướng phân hóa rõ rệt các thành phần xã hội, các nhà quy hoạch cầm trịch phải biết đề xuất và giải quyết cụ thể bằng chuyên môn và tầm nhìn vĩ mô đúng đắn.
Trong đó việc sử dụng các không gian công cộng hay tiện ích, đóng vai trò như một “không gian hòa giải” (médiateur: tiếng Pháp) là một trong những điều rất cần chú ý trong công tác quy hoạch chi tiết sau định hướng.
Ví dụ một trường hợp điển hình về tác dụng của một không gian hòa giải cụ thể có thể xét đến trường hợp cụ thể của thành phố Marseille, Pháp. Marseille là thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, một thành phố mà sự phân hóa rõ rệt về các thành phần dân cư, thành phần xã hội, thành phần dân tộc thể hiện rõ nhất ở Pháp. Khi chính quyền đô thị quyết định vị trí xây dựng các tổ hợp công cộng hay tiện ích về thể thao, đã có những sự nghiên cứu cụ thể nhằm tôn lên vai trò hòa giải xã hội của yếu tố công cộng tiện ích trong quy hoạch nhằm kéo lại gần nhau hơn những tầng lớp đã phân hóa rõ rệt trong đô thị.
Đó là trường hợp của sân vận động Velodrome của câu lạc bộ Olympic de Marseille. Một biểu tượng tự hào của thành phố ven biển Địa Trung Hải. Nó là một yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng và là biểu tượng của thành phố. Do đó việc chọn địa điểm xây dựng sân vận động là một trong những công việc quan trọng và phải kết hợp giải quyết được cả những yếu tố về bất đồng xã hội. Sự thành công của tổ hợp sân vận động Velodrome trong việc hòa giải xã hội đa tầng lớp và phân hóa rõ rệt là sự kéo lại gần nhau các tầng lớp xã hội đã phân hóa. Và kéo theo đó là sự hòa trộn cả về mặt quy hoạch đô thị bằng cách phát triển thêm hàng loạt tiện ích, không gian phục vụ cho người giàu trong trung tâm của những người nghèo. Đó chính là một ví dụ điển hình cho việc chú trọng đến sự phát triển bền vững và cân bằng của đô thị.
Ngoài những tác dụng của không gian hòa giải, việc chú trọng và quan tâm đến khía cạnh liên kết, kết nối đô thị của các thủ pháp quy hoạch không gian cũng cần được chú trọng và có định hướng cụ thể. Việc kết nối các vùng, các khu dân cư có các thành phần khác nhau cần được nghiên cứu ở những giai đoạn quy hoạch chung. Một trong những ví dụ điển hình cho sự kết nối, liên kết đô thị chính là sự phân bố của các không gian cây xanh, công viên cây xanh dạng tuyến và trục đô thị (boulevard urban). Những không gian cây xanh, trục đô thị dạng tuyến sẽ là một trong những giải pháp kết nối hữu hiện cho sự liên kết. Nơi tất cả các cư dân, dù ở mọi thành phần xã hội nào cũng tìm được những không gian chung, đặc điểm chung và những nhu cầu chung.
Rút ra những bài học cho công tác quy hoạch đô thị của Việt Nam. Phát triển sau những nước tư bản và mang định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó chúng ta cần phải rút ra những bài học và kinh nghiệm của các nước đã phát triển về công tác quy hoạch đô thị ở tầm vĩ mô. Cụ thể hơn đó là trường hợp của nhà ở xã hội và quy hoạch đất cây xanh trong từng đồ án quy hoạch. Đó là phải kiên quyết thực hiện đường lối về quy hoạch Nhà ở xã hội của chính phủ và các cơ quan ban ngành đã hoạch định.
Không tách biệt nhà ở xã hội với khu nhà ở thương mại hay các khu đô thị ở cao cấp. Không áp dụng chính sách đóng tiền cho Nhà nước và quy hoạch lại những khu nhà ở xã hội nằm ngoài khu đô thị hoặc áp dụng chính sách định cư tại chỗ đối với các dự án chỉnh trang đô thị. Một xã hội công bằng, xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững và nhân văn sẽ không phải một xã hội được đánh giá, được đo bằng giá trị của đồng tiền.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của KTS. Nguyễn Trung Kiên.
Tham khảo:
- Le gouvernement souhaite-t-il vraiment la mixité sociale? – Thomas Piketty – Tạp chí Le Monde, Pháp.
- La mixité sociale : le point de vue des sciences économiques – Harris Selod.
- Les enjeux de la mixité sociale en France, Fiches repères Injep.
- Espèces d’espaces – Georges Perec.
Đôi nét về KTS. Nguyễn Trung Kiên
Đồng sáng lập GK Archi Việt Nam, GKA Myanmar, GKA Singapore 2009, 2012, 2018.
Tốt nghiệp Kiến trúc sư tại Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2003.
Tốt nghiệp Thạc sỹ về Kiến trúc, về Quy hoạch đô thị tại Đại học Kiến trúc Quốc gia Strasbourg, Pháp năm 2006, 2007.
Giải thưởng Quy hoạch đô thị Cronenbourg tại châu Âu do Ủy ban châu Âu trao tặng năm 2008.
Tham gia Ban chuyên gia Quy hoạch đô thị Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ cho Expo 2015, năm 2008.
Giải thưởng Quy hoạch đô thị tại Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ 2008.
Giải thưởng Điêu khắc Kiến trúc tại Fanano, Italia 2008.
Kiến trúc sư Asean năm 2018.
Các giải thưởng về Kiến trúc: BCI Asia Awards, TopTen Asia Property Awards (dự án The Atrium – Myanmar) , Top 100 công ty Kiến trúc toàn cầu, International Property Awards (dự án Thuwannna -Myanmar), World Architecture Awards (dự án Nhà văn hóa sinh viên – Việt Nam), Architecture Masterprize… (với GK Archi)
Giải thưởng Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 (với GK Archi)
Các giải thưởng về thiết kế tại Việt Nam, Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ, Pháp…
Kiến trúc, kiến trúc sư, KTS Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Trung Kiên, Quy hoạch vĩ mô