Tháng 11/2015, trong Hội thảo khoa học thường niên của Hội KTS Việt Namvới chủ đề “Hành nghề Kiến trúc và Hội nhập quốc tế tại Hà Nội”, đã có 9 KTS nổi tiếng tại Việt Nam được vinh dự trao Chứng nhận KTS Asean (Asean Architects – gọi tắt là AA). Đây là điều kiện cần để một KTS Việt Nam đăng ký hành nghề tại một quốc gia ASEAN và cũng là kết quả của việc ký kết “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN” giữa các nước thành viên ASEAN tại Singapore ngày 20/11/2007.
Tuy nhiên, từ khi thỏa thuận được ký kết, các KTS Asean được công nhận, thực tế cho thấy việc “xuất khẩu” nghề Kiến trúc của Việt Nam không phải là một công việc dễ dàng. Rất nhiều các ngành nghề khác không thiên về hoạt động nghệ thuật, chất xám như nông nghiệp, viễn thông, bán lẻ, bất động sản… đã từng bước hội nhập quốc tế. Nhưng nghề Kiến trúc thì vẫn loay hoay với bài toán xuất khẩu chất xám ra thị trường quốc tế hòa chung trong Kế hoạch Hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Dự án The Atrium – Myanmar
Số lượng công trình được KTS Việt Nam thực hiện ở các quốc gia Asean chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong bối cảnh đó, các công ty Kiến trúc Việt Nam rất cần một ví dụ điển hình để có động lực “xuất khẩu” và “chinh phục” một thị trường Asean nhiều tiềm năng cho lĩnh vực tư vấn thiết kế Kiến trúc.
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM đã chia sẻ trong hội thảo” Hành nghề Kiến trúc và Hội nhập quốc tế” và trao chứng nhận KTS Asean năm 2015: “Nghĩa là Về lý thuyết là ta được “xuất chất xám” rồi!? Vậy, các “KTS ASEAN” đã xuất gì? Xuất sang nước nào? Xuất về phần ý tưởng kiến trúc hay là xuất khẩu “nhân công” lao động. (Hiện nay, nhiều KTS trẻ, đang có xu hướng học Anh văn để sang các nước ASEAN, làm họa viên).
Cái khó là, nếu ta đi xuất ngoại hành nghề thì ai biết mình? Tự có “mùi” kiểu như PHỞ được không? Chi phí quảng bá ở đâu? Nhưng phở, thì nó có cái đặc thù của nó, nó ngon, và tự nó lan tỏa được, còn kiến trúc đặc thù của Việt Nam lại không phù hợp với nền văn hóa của các nước ASEAN. Mà kiến trúc hiện đại tiên tiến… thì ta còn cách họ một quãng đường dài. Mặt khác, chúng ta không hiểu thông lệ hành nghề KTS quốc tế. Một nghìn thứ ta không biết…
Dự án TheSky giai đoạn 01 – Myanmar
Trái ngược với nhận xét khá bi quan trên là ví dụ điển hình về GK Archi. Từ năm 2011, họ đã chủ trì thiết kế những công trình có quy mô lớn tại thị trường Asean, điển hình là tại Myanmar. Từ năm 2011 đến nay, GK Archi là tên tuổi rất nổi tiếng tại thị trường này, nơi vẫn được biết đến như mảnh đất màu mỡ của các công ty Singapore, Nhật Bản, Hàn quốc, Pháp, Mỹ… GK Archi đã cạnh tranh rất công bằng với KTS đến từ các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới. Và đến năm 2015, GK Archi được công nhận là công ty có diện tích sàn thiết kế lớn nhất tại Myanmar trong tất cả các quá trình thực hiện dự án từ thiết kế ý tưởng, thiết kế Kết cấu, thiết kế trình duyệt YCDC, CQHP và triển khai quản lý thi công…
Điểm qua vài dự án quy mô lớn của GK Archi như: Khu đô thị Thuwanna của Tập đoàn Shwe Than Lwin – Myanmar với 47 chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, hội nghị… (GK Archi đảm nhiệm từ các bước ý tưởng đến tham gia công tác quản lý thi công và đã hoàn thành phần thô của giai đoạn 1); Chung cư cao tầng The Atrium (được Tạp chí Property Report nhắc đến như một trong 5 công trình hấp dẫn nhất châu Á với kiến trúc hiện đại và thẩm mỹ); Dự án Khu dân cư Thilawa Sez Housing (Khu đô thị được Nhật Bản và Myanmar; hợp tác đầu tư và đang là siêu dự án của Myanmar); Dự án khách sạn Golden Garden Venue; Khu resort Chaung Thar… và rất nhiều dự án về resort, khách sạn quy mô khác tại Myanmar. Tại thị trường Bangladesh, GK Archi đã thắng giải Nhất và được thiết kế ý tưởng dự án Sabinco Saudi Tower. Tại Mông Cổ, họ cũng đảm nhiệm phần thiết kế cảnh quan của dự án Soyombo Hotel. Hay tại Kenya là Dự án Nhà ga sân bay Nairobi…
Bên cạnh việc tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về khâu thủ tục rất phức tạp, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế khác biệt ở các nước, văn hóa lối sống ngay cả hệ đơn vị đo lường sử dụng cũng khác biệt; sự dấn thân, quyết tâm, chịu khó học hỏi của các KTS, Kỹ sư của công ty đã tạo nên sự khác biệt và thành công của GK Archi. Ngoài vốn ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh phải thật sự giỏi, thì sự tự tin về kiến thức, kiến trúc cũng là một chìa khóa cho sự thành công lớn. GK Archi đã góp phần đưa các KTS Việt Nam trực tiếp thử sức và công tác tại các thị trường quốc tế như: KTS Bùi Hữu Duy Tân, KTS Đỗ Trần Mỹ Thúy, KTS Nguyễn Đình Duy, KTS Lê Nguyễn Hương Giang, KTS Nguyễn Trung Kiên… hay các KTS nước ngoài như Jean Sabet Acladios, Roberto Gil Ruiz…
Trong bối cảnh lực lượng KTS tại Việt Nam khá đông đảo, cạnh tranh ác liệt với thị trường trong khu vực Asean, việc xuất khẩu chất xám để hành nghề Kiến trúc và Hội nhập quốc tế thực sự rất cần những “cánh én nhỏ” như GK Archi để chúng ta loại bỏ suy nghĩ: “Ta còn cách họ một khoảng đường dài”. Và việc đào tạo kiến trúc của chúng ta nên chú trọng vào việc đào tạo ra các thế hệ tương lại giỏi ngoại ngữ, giàu kiến thức, đam mê và biết đấu tranh cho nền Kiến trúc Việt Nam tại các thị trường quốc tế.
Hy vọng tới đây, việc “xuất khẩu” Kiến trúc của giới KTS Việt Nam sẽ dễ dàng hơn, góp phần khẳng định giá trị của chất xám Việt Nam trong môi trường Hội nhập quốc tế. Và sẽ có cả một “bầy én” để làm nên “Mùa xuân” cho nền Kiến trúc Việt Nam...
TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc