Myanmar với kiến trúc đền chùa nổi trội

(Xây dựng) – Cộng hòa Liên bang Myanmar là một quốc gia có chủ quyền tại Đông Nam Á. Myanmar giàu tài nguyên ngọc thạch và đá quý, dầu mỏ, khí thiên nhiên và các loại khoáng sản khác. Khoảng cách thu nhập tại Myanmar nằm vào hàng rộng nhất trên thế giới, do phần lớn kinh tế nằm dưới quyền kiểm soát của những người ủng hộ Chính phủ quân sự cũ. Điều làm người ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ ở đây chính là kiến trúc của những ngôi chùa linh nghiệm. Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của trang giấy, bài viết này chỉ đề cập đến chùa Shwedagon và tu viện Taung Kalat mà thôi.

Người dân Myanmar sùng đạo Phật, có thể thấy những ngôi chùa và tu viện Phật giáo ở bất cứ đâu, con số lên đến hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp đất nước. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống của người dân, mọi sinh hoạt đều gắn liền các nghi lễ Phật giáo. Vì vậy, Myanmar còn được gọi là đất nước chùa tháp. Chùa tháp tập trung nhiều nhất ở thành phố cổ Bagan.

Nhiều Cty kiến trúc nổi tiếng trên thế giới được thuê đến đây nghiên cứu các dự án xây dựng và để hài hòa với các công trình đã có, họ phải dày công nghiên cứu kiến trúc cổ. Họ đã phải lặn lội để chiêm nghiệm và tìm hiểu về các kiến trúc đền, chùa tại Myanmar. Sau cùng, họ đã phải thốt lên, rằng những kiến trúc Phật giáo tại đây là một tuyệt phẩm mà không nơi nào trên thế giới sánh được với hàng ngàn hàng vạn ngôi chùa nổi tiếng gắn liền với lịch sử, nền văn minh của mình.

Điều tuyệt vời hơn, đó là đằng sau những công trình kiến trúc kỳ vĩ này còn có nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng biết. Chùa Shwedagon hay còn gọi là chùa Vàng – ngôi chùa lớn, đẹp và linh thiêng nhất Myanmar. Đó là ngôi chùa với toà tháp xa xỉ nhất thế giới làm từ vàng và kim cương. Người Myanmar rất coi trọng tín ngưỡng, chùa chiền với họ là nơi linh thiêng và luôn được chăm chút cẩn thận. Các nhà sư, gia đình và tín đồ đạo Phật coi việc hành hương tới chùa Shwedagon cũng giống như người theo đạo Hồi phải tới thánh địa Mecca một lần trong đời.

Nơi đây được xem là nguyên mẫu cho tất cả các ngôi chùa về sau này ở Myanmar với 4 cổng quay về 4 hướng khác nhau, có các dãy hành lang dài. Ở các cổng đều có hai thụy thú màu trắng rất lớn án ngữ phía trước. Ngôi chùa được cho là đang chứa xá lợi xương cổ và xương trước của Đức Phật cũng như những bức tượng Phật rất lớn. Có đến hàng chục ngôi chùa nhỏ bao quanh ngọn tháp chính.

Chùa Shwedagon có hơn 2.500 năm lịch sử. Các nhà khảo cổ ước tính công trình bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ VI. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa hiện có 4 tòa tháp chính ở trung tâm và 64 tòa tháp nhỏ bao quanh, tất cả đều được dát vàng. Ước tính đã sử dụng 72 tấn vàng để xây dựng kiệt tác này.

Chùa Shwedagon ở Yangon được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, diện tích gần 50.000m2. Từ xa người ta có thể nhìn thấy ngọn tháp cao đến 99m. Đây là công trình Phật giáo linh thiêng bậc nhất ở Myanmar mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Chùa Shwedagon mở cửa miễn phí quanh năm cho người dân nhưng bán vé cho khách tham quan. Nơi đây có khuôn viên rất rộng mà bất cứ ai có cơ duyên đặt chân tới đều phải thốt lên sự ngưỡng mộ về sự tỉ mỉ trong kiến trúc.

Tầng cao nhất được khảm hơn 1.100 viên kim cương, 1.383 viên đá quý. Phần đỉnh tháp được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat.

Nội thất và các bức tượng trong chùa cũng được dát vàng lá. Ngôi chùa nghìn năm tuổi này đang lưu giữ bốn báu vật của Phật giáo là: Cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn; Dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm; Mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Chùa Shwedagon cũng là nơi diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng. Một trong số đó là lễ xuất gia – là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người Myanmar.

Ngày nay chùa Shwedagon không chỉ là công trình tôn giáo linh thiêng mà còn là biểu tượng du lịch của Myanmar . Khách tham quan chùa phải tháo giày dép để đi chân đất, không được mặc váy ngắn hoặc ăn mặc phản cảm. Với khối tài sản khổng lồ này, chùa Shwedagon luôn được canh gác cẩn thận với camera theo dõi 24/24h.

Cùng đó là núi Popa được xem là Olympia của người Myanmar. Là điểm hành hương lớn và thờ nhiều vị thần tối cao, được xem là ngôi nhà huyền thoại thờ phụng 37 vị thánh trong tín ngưỡng dân gian, thần bảo hộ cho những người cơ cực ở Myanmar.

Tu viện Taung Kalat tọa lạc trên đỉnh núi Popa – một ngọn núi lửa cao 1.518m trên mực nước biển, và nằm ở trung tâm Myanmar khoảng 50km về phía đông nam Bagan. Ở đây có rất nhiều ngôi đền và các di tích tôn giáo. Để lên đến đỉnh ngọn núi, phải vượt qua 777 bậc thang. Lên tới đỉnh núi Popa có thể phóng tầm mắt nhìn ra khung cảnh hùng vĩ núi non trùng điệp với những ngôi chùa ẩn hiện. Đặc biệt, Taung Kalat được cho là tu viện linh thiêng bậc nhất ở Myanmar.

Việc xây dựng một tu viện độc đáo trên những vách núi đá thẳng đứng vẫn là một câu chuyện bí ẩn từ thời cổ xưa. Cho đến tận ngày nay việc xây dựng tu viện Taung Kalat trên một ngọn núi cao, dựng đứng như vậy vẫn đang là một bí ẩn. Người ta vẫn chưa thể hình dung được các nghệ nhân xưa kia đã làm cách nào để xây dựng nên tu viện nổi tiếng ở một độ cao như vậy.

Tu viên khá rộng với nhiều bộ phận. Nổi bật ở đây là một trụ tháp chính màu vàng óng với phần chóp nhọn. Hoa văn trang trí được chạm khắc vô cùng kỳ công và nghệ thuật. Tại nhiều nơi quanh tu viện người ta đặt những bức tượng Phật với các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.

Không chỉ nổi tiếng vì địa thế đặc biệt, kiến trúc độc đáo và phong cảnh hữu tình. Tu viện Taung Kalattrên núi Popa còn gắn liền với những truyền thuyết đầy huyền bí về các vị thần. Theo các truyền thuyết xưa thì Taung Kalat và núi Popa cách không xa nơi ở của 37 vị thần Nat. 37 vị thần Nat có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Myanmar.

Ngoài 2 địa danh nổi tiếng trên, tại khu Bagan – là nơi có hơn 10.000 ngôi đền, chùa và tu viện. Bagan từng là kinh đô cổ của vương quốc Pagan. Đây là vương quốc đầu tiên thống nhất được các vùng của Myanmar ngày nay. Trong triều đại kéo dài suốt 250 năm, các vị vua Pagan và người dân đã xây dựng hơn 10.000 di tích tôn giáo trên diện tích 104km2. Ngày nay, chỉ còn khoảng 2.200 ngôi đền, chùa từ thời này còn tồn tại.

Xem thêm: Myanmar với kiến trúc đền chùa nổi trội

Nguồn: Khánh Phương – Báo xây dựng

 ,