Những điều chưa biết về kiến trúc sư Frank Gehry

Frank Gehry đã thiết kế một vài công trình mang tính biểu tượng trong hai thập kỷ qua, từ Bảo tàng Guggenheim Bilbao cho đến Trụ sở chính của Facebook ở Thung lũng Silicon. Trong những năm gần đây, ông ấy từng bị chỉ trích vì phong cách khác biệt, bị kiện vì nghi ngờ có sai sót trong thiết kế và bị xem thường vì những mâu thuẫn với cánh nhà báo.

Ông ấy liệu có đang bị hiểu lầm? Nhà văn kiêm nhà phê bình kiến trúc của tạp chí Vanity Fair, Paul Goldberger đã viết lại tiểu sử cho thấy bức chân dung về một người đàn ông nhút nhát và nhạy cảm, người đang vật lộn với sự nghi ngờ bản thân và cái tôi của chính mình.

Goldberger đã theo dõi Frank Gehry từ những năm 1970 và không còn xa lạ với công việc của ông. “Nghệ thuật Xây dựng” (Knopf, năm 2015) không phải là cuốn sách tổng hợp lại các công trình của Frank Gehry, đây là câu chuyện kể về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của kiến trúc sư: thất bại trong cuộc hôn nhân đầu tiên, trải nghiệm liên quan đến Chủ nghĩa chống Do Thái, thi trượt vài môn học và công việc lái xe tải ông từng làm. Cuốn sách 450 trang tiết lộ những câu chuyện cá nhân, cho thấy toàn bộ công việc của ông ấy và đào sâu đến từng nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời của kiến trúc sư.

Bìa cuốn sách “Nghệ thuật xây dựng”

Theo Goldberge, “Bạn luôn đánh giá tốt hơn khi đưa mọi thứ vào một bối cảnh, nhưng bạn cũng có thể xét đến bối cảnh khi viết về một công trình duy nhất. Khi bạn nhìn vào toàn bộ câu chuyện cuộc đời, mọi thứ đều là bối cảnh. Bối cảnh chính là tất cả.”

Chúng tôi đã trao đổi với Goldberger về động cơ thúc đẩy Gehry, ngôi sao trong thế giới kiến trúc, câu chuyện về Chủ nghĩa toàn trị và sự xuất hiện trên The Simpsons. Bạn sẽ ngạc nhiên với những gì chúng tôi khám phá được.

Theo Goldberger, “Tôi rất thích Gehry và công việc của ông ấy. Ông ấy là một người thu hút và là một kiến ​​trúc sư vĩ đại. Tôi có biết một phần nhỏ về cuộc đời của ông ấy, nhưng sự kết hợp kỳ lạ giữa sự tự tin và bất an này đến từ đâu? Đây là điểm nổi bật của ông ấy – quyết tâm đi theo con đường của mình và đổi mới một cách mạnh mẽ cùng lúc nghi ngờ bản thân. Đó là một tổ hợp hiếm thấy. Sự kết hợp này đến từ đâu và vì sao nó được hình thành là điều khiến tôi tò mò nhất.

Tuổi trẻ của ông đầy nỗi đau và thử thách

Goldberger cho biết, “Mọi người sẽ nói rằng tôi muốn kể lại toàn bộ câu chuyện, kể cả những mặt tối. Nói vậy nhưng thực tế mọi người nhìn vào câu chuyện đó như thế nào lại là vấn đề khác.”

Cuốn sách phơi bày thẳng thắn thái độ không tốt của Gehry với người vợ Anita và con cái của ông từ cuộc hôn nhân đầu tiên (Ông ấy không bày tỏ cảm xúc với gia đình và ít khi ở gần họ. Cả Gehry và Anita đều ngoại tình), và mối quan hệ không hòa hợp với cha mình, một người đàn ông luôn bươn chải và cố gắng chu cấp cho gia đình. Goldberger đã gửi bản thảo cho Gehry xem trước nhưng ông ấy không thể biên tập lại bất cứ chi tiết nào. Gehry nói, “Tôi đang gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng cuốn sách. Không phải vì những điều anh viết mà bởi vì việc hồi tưởng lại thực sự rất đau đớn.”

Tôi nghĩ việc đọc cuốn sách đã nhắc ông ấy nhớ lại những ký ức đau thương. Nhưng ông ấy hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận giữa chúng tôi và chỉ nói rằng, đau khổ là vấn đề của ông ấy chứ không phải của tôi. Nó phải hoàn toàn chính xác.”

Frank Gehry trước căn nhà của ông tại Santa Monica, California.

Gehry không phải là người tin rằng ông ấy biết câu trả lời hay đâu là đáp án cuối cùng. Tôi nghĩ điều này góp phần làm nên chất lượng công trình của ông ấy nhưng ít ai hiểu được. Vì các công trình của ông ấy không bình thường, ông ấy bị hiểu lầm là đã tạo ra những hình dạng điên rồ và bắt mọi người phải chấp nhận. Điều này hoàn toàn ngược lại với con người của ông ấy. Mỗi dự án đều trải qua nhiều giai đoạn. Ông ấy luôn muốn nhận được phản hồi từ khách hàng và đối thoại với họ. Ông chỉ có một thỉnh cầu duy nhất đối với khách hàng đó là hãy tôn trọng và tin tưởng công trình của ông ấy.

Công trình của Gehry không phải là “kiến trúc chuyên quyền hay độc đoán”.

Gehry bị hiểu nhầm là chỉ quan tâm đến hình thức. Goldberger nói rằng kết hợp giữa trí tưởng tượng và giải quyết vấn đề là cách tốt nhất để hiểu công trình của ông.

Ông ấy rất quan tâm đến chức năng: vị trí nhà vệ sinh, nơi bạn bước vào, nơi bạn đi ra, và nơi đặt tủ quần áo. Đó không phải là kiểu kiến ​​trúc chuyên quyền hay độc đoán. Đó là phong cách kiến ​​trúc có ngôn ngữ riêng, nhưng trong ngôn ngữ đó ông ấy quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề, chứ không chỉ để ý đến hình thức. Không một ai nghi ngờ trí tưởng tượng của Gehry vì mọi người đều thấy điều đó khi quan sát các công trình của ông. Nhưng điều khó hiểu là Gehry muốn đặt công trình ở đâu đó nằm giữa trí tưởng tượng và giải quyết vấn đề. Thứ nhất, đó là vị trí lý tưởng của kiến ​​trúc – nhưng thường thì ít ai hiểu như vậy. Thường là một trong hai loại, hoặc là cả hai: có những người cho rằng giải quyết vấn đề là xâm phạm tự do của họ – những con người sáng tạo; và có những người cho rằng sáng tạo là nghiễm nhiên không cần quan tâm đến giải quyết vấn đề. Và cả hai đều không đúng. Bản chất cơ bản của kiến ​​trúc là cả hai yếu tố kết hợp với nhau – nếu có thể – và tôi nghĩ Gehry là người đại diện cho điều đó.

Bảo tàng thiết kế Vitra

Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha là thiết kế nổi tiếng nhất của ông. Chỉ một vài năm sau khi mở cửa vào năm 1997, Bảo tàng Guggenheim đã biến thành phố suy tàn này trở thành một trung tâm du lịch giàu có. Kể từ đó, các công trình của ông ấy đã nhận được nhiều lời khen ngợi và cả những lời chỉ trích. Khác với thời kỳ trước, ít ai chú ý đến những kiệt tác mà ông tạo ra.

Bảo tàng The Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha

Theo Goldberger, một trong số các công trình yêu thích của tôi là Trường Luật Loyola ở Los Angeles (L.A.). Ông ấy làm một thứ giống như quảng trường kiểu Ý, một ngôi làng nhỏ từ một số công trình đơn giản. Các khám phá về “công trình như một ngôi làng” của ông vẫn rất mạnh mẽ và có tính thuyết phục cho đến ngày nay. Ngôi nhà Winton ở Minnesota là một ví dụ khác. Nó trông giống như một tập hợp các hình dạng. Những công trình của ‘dự án làng’ được xây dựng trong khoảng 1980 ít được chú ý tới vì các công trình nổi tiếng hơn như Bilbao và Phòng hòa nhạc Walt Disney…

Là người một trong số những người đầu tiên sử dụng máy tính để hoàn thiện các thiết kế, Gehry nổi tiếng vì những công trình mà các kỹ sư không thể thực hiện theo cách thông thường. Trong số đó, Bảo tàng thiết kế Vitra, xây dựng tại Thụy Sĩ vào năm 1989, là công trình mà Goldberger cho rằng nên nhận được sự công nhận xứng đáng hơn.

Ông ấy hối tiếc vì đã xuất hiện trong The Simpsons, nhưng hiện nay ông ấy sử dụng danh tiếng của mình vào những mục đích tốt

Năm 2005, Gehry tham gia vào một tập phim The Simpsons. Trong tập phim đó ông ấy đã tạo ra một hội trường hòa nhạc bằng cách vò một mẩu giấy và chuyển nó thành cấu trúc xây dựng.

Gehry đã nhận được nhiều sự hoan nghênh cùng lúc với chỉ trích, điều này biến ông ấy trở một biểu tượng văn hoá pop. Goldberger cho biết, “Kiến trúc sư ngôi sao là một cụm từ vừa tức cười và vừa không phải là xấu vì nó cho thấy công chúng quan tâm đến kiến ​​trúc. Tôi nghĩ rằng cụm từ kiến ​​trúc sư ngôi sao và nhân vật trong phim đã dẫn đến việc người ta hiểu sai về công trình của Gehry”.

Gehry ban đầu coi thường sự nổi tiếng của mình. Ông còn loại bỏ một dòng đồ nội thất vốn đã thành công, đó là những chiếc ghế Easy Edges, vì sợ rằng ông sẽ bị gọi là một nhà thiết kế đồ nội thất và cũng bởi vì giá cả của chúng tăng lên, đi ngược lại mục tiêu tạo ra những sản phẩm giá cả phải chăng của ông ấy. Gehry dần trở nên thoải mái hơn với danh tiếng của bản thân và nhận lời tham gia một tập phim The Simpsons, trong tập phim đó ông đã thiết kế một phòng hòa nhạc cho Springfield.

Goldberger cho biết, “Tôi nghĩ bây giờ ông ấy có chút hối tiếc về The Simpsons. Có thể ban đầu ông ấy nhận lời vì ông ấy không muốn từ chối. Ông ấy có cái tôi riêng, tôi nghĩ rằng khía cạnh đó của ông ấy đã rất vui mừng với lời mời và không thể nói không. Cốt truyện vui nhộn ở chỗ ông ấy vò tờ giấy, ném xuống đất, sau đó nhìn nó và nói, ‘Aha! Thật thiên tài! Chính là nó! Đây là ý tưởng xây dựng!’ Việc thiết kế công trình xung quanh mẩu giấy là nguyên nhân khiến ông ấy không vui vì mọi người nghĩ rằng trong thực tế cũng theo cách như vậy. Ông ấy vô tình khuyến khích việc hiểu lầm sai lầm về công việc của mình, điều đó khiến ông ấy như phát điên.”

Hiện nay, Gehry đang sử dụng danh tiếng của mình để tham gia vào những dự án có giá trị, ví dụ như Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em ở Watts.

Theo Goldberge, “Ông ấy biết rằng nếu gắn với tên tuổi của mình, dự án sẽ trở nên khả thi. Vì nếu là người khác, người ta có thể sẽ không đổ tiền vào. Ông ấy có thể nâng cao danh tiếng của mình vì lợi ích xã hội, ông ấy trở nên tinh vi hơn khi làm điều đó và thực sự rất muốn làm vậy. Ông ấy muốn sử dụng danh tiếng của mình vào những việc đó hơn là The Simpsons. Sự phát triển về tư tưởng này cuối cùng cũng xảy ra trong cuộc đời ông ấy. ”

Theo Fastcodesign

 , , , ,