Phong cách Pop – Art trong kiến trúc đương đại

Những thiết kế kiến trúc – nội thất theo phong cách Pop Art đa phần mang nét khỏe khoắn, tươi vui và hàm chứa cả sự nổi loạn, phá cách nên thường được những người trẻ ưa thích. Nhưng, cũng giống như rất nhiều xu hướng và phong cách kiến trúc khác du nhập ồ ạt vào nước ta thời kỳ mở cửa, thường phong cách này chỉ được để ý đến phần ngọn, đến phần biểu hiện ra bên ngoài của hình thức mà quên mất bản chất cốt lõi bên trong của nó. Hệ quả là những công trình xây dựng phần nhiều chỉ mang dáng dấp, cóp nhặt, gán ghép về mặt đường nét của các xu hướng kiến trúc khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu trình bày về triết lý chính của phong cách Pop Art trong kiến trúc và những cơ sở nguồn gốc lý luận của nó – Với mong muốn đóng góp một phần nền tảng cho phong cách thực hành kiến trúc thú vị này.

Bức tranh “Hộp súp nhãn hiệu Campbells” – Andy Warhol (nguồn: Internet)

 Pop Art là gì?

Trong nghệ thuật, Pop Art là viết tắt của Popular Art- Nghệ thuật đại chúng. Xuất hiện từ những năm 1950, với chất liệu và ý tưởng lấy từ mọi hoạt động trong cuộc sống và xã hội thường ngày, xu hướng Pop Art luôn đóng vai trò là cầu nối giữa nghệ thuật thuần túy với cuộc sống. Khởi đầu với sự xuất hiện trong triển lãm về điêu khắc của Edward Paolozzi ở Anh năm 1947, các tác phẩm mang tính “đánh thức” dư luận của họa sỹ người Czech sinh sống ở Mỹ – Andy Warhol, như bức tranh “Hộp súp nhãn hiệu Campbells” năm 1962; hay các bức tranh lấy cảm hứng từ Marilyn Monroe và các nghệ sĩ đương thời khác. Theo đà phát triển của xã hội, tiếng nói của Pop Art với tinh thần nghệ thuật hướng đến quần chúng vẫn còn rất mạnh mẽ trong xã hội.

Trong lĩnh vực kiến trúc, các KTS xu hướng Hậu hiện đại đã sớm ảnh hưởng tư tưởng phóng khoáng của Pop Art và đưa chúng vào các thiết kế của mình, tạo nên một khuynh hướng thực hành kiến trúc. Phong cách này sớm nổi bật với các thiết kế của KTS Venturi, Hans Hollein hay Robert Stern…

Có thể nói, Robert Venturi (1925) là KTS khởi đầu cho sự phát triển kiến trúc Hậu hiện đại khi ông lên tiếng phê phán sự cứng nhắc của kiến trúc Hiện đại với việc nêu lên “Tính nhập nhằng trong kiến trúc”. Thời điểm đó, trong hoạt động nghệ thuật, Chủ nghĩa biểu hiện quan tâm đến sự nhập nhằng trong nhận thức, còn Pop Art lại quan tâm đến sự nhập nhằng nước đôi, và do đó các họa sỹ Pop Art sử dụng sự mập mờ để tạo cho các hình thức – nội dung ngược đời. Những cái mà trào lưu hội họa này mang đến cho Venturi chính là tính hài hước, châm biếm trong kiến trúc, sự phá hoại tỷ lệ hay những cái vượt tỷ lệ trong quy mô một ngôi nhà nhỏ. Từ những lý luận đó, ông đã sử dụng các thủ pháp của xu hướng Pop Art vào các thiết kế của mình qua tính khôi hài của công trình Electric House, cột Mickey Mouse IONIC trong Bảo tàng Nghệ thuật Pop ở NewYork, hay những chi tiết phóng đại sai tỷ lệ như ở công trình Vanna Venturi house và Peason house. Những công trình này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các KTS Hậu hiện đại. Họ đã làm những đầu cột Ionic và Corinthien bằng kim loại và các lá acan bay bổng không đối xứng, hay phóng đại cái khóa vòm trên nhiều công trình nổi tiếng như công trình Tòa thị chính ở Portland của Micheal Grave …

Cột Mickey Mouse IONIC– KTS. Venturi (nguồn: http://www.oberlin.edu/external/EOG/gbslides/Venturi.html);

Va Venturi House – KTS.Venturi (nguồn: http://architecture.about.com)

Tòa thị chính ở Portland – KTS. Micheal Grave (nguồn: http://blogkientruc.com/news/archives/13279); Dancing House – Prague, CH Séc – Kts. Frank Ghery (nguồn https://en.wikipedia.org/wiki/Dancing_House)

 Ngày nay, phong cách Pop Art trong kiến trúc tuy không nổi bật nhưng vẫn có sức sống bền bỉ và phát triển đều đặn cả trong nội thất và ngoại thất… tạo nên một số điểm nhấn lạ mắt, ý tưởng trẻ trung trong đô thị.

Như vậy, Pop Art trong nghệ thuật nói chung và trong kiến trúc nói riêng có thể hiểu khái quát là nghệ thuật sử dụng những chi tiết, hình ảnh quen thuộc nhất, hay tầm thường nhất, sắp đặt tạo thành một bố cục. Các chi tiết trong bố cục đó có thể rất phức tạp hay mâu thuẫn với nhau, nhưng chính điều đó lại tạo nên một sự hài hòa thống nhất trong tổng thể. Hơn hết, nó đi thẳng đến ấn tượng và cảm nhận của người xem mà không gặp trở ngại nào đáng kể và luôn dễ dàng thay đổi theo kịp nhưng biến chuyển của thời đại.

Đối với thực hành thiết kế theo phong cách Pop Art có thể kể đến những đặc điểm cơ bản sau:

  • Màu sắc: Sử dụng các gam màu nổi, tạo sự năng động, ưa thích thủ pháp tương phản (có thể kết hợp đèn trang trí nhiều màu sắc).
  • Trần và sàn: Sàn có thể thiết kế đơn giản hoặc kết hợp với thảm sặc sỡ nhiều màu. Trần ưa thích các vật liệu có độ phản xạ cao để phản chiếu nhiều bóng và sắc độ cho căn phòng.
  • Vật dụng: Chỉ sử dụng vật dụng thật cần thiết, được lựa chọn theo tiêu chí màu sắc tươi sáng, nhỏ gọn và độc đáo.
  • Phụ kiện: Phụ kiện độc nhất và duy nhất với gam màu tương phản mạnh. Cũng có thể là những vật dụng quen thuộc bình thường nhưng được biến tấu về kích thước và chi tiết.

Vật dụng theo phong cách Pop Art

 Triết lý chính và nguồn gốc lý luận của Pop Art

1. Sự xuất hiện của xu hướng nghệ thuật Pop Art

Từ thập niên 50-60 của thế kỷ XX, trong xã hội công nghiệp phương Tây, đại bộ phận dân chúng cho rằng việc tham quan các bảo tàng là hết sức tẻ nhạt. Suy nghĩ này xuất phát từ tâm lý không hiểu được các tác phẩm một cách trọn vẹn, lo sợ không thể cảm nhận vẻ đẹp của một tác phẩm “đỉnh cao nghệ thuật”– Vì việc hiểu các tác phẩm hàn lâm đòi hỏi nền tảng kiến thức lớn và không thể thưởng lãm lướt qua. Từ đó, nghệ thuật chính thống trở nên dần xa cách với đại bộ phận quần chúng. Để khắc phục, các nghệ sĩ đã đề xướng lên một xu hướng nghệ thuật gần gũi, như một cầu nối cho cuộc sống người bình thường bước vào thế giới nghệ thuật. Với các tác phẩm Pop Art, người xem luôn dễ dàng nhận ra các tín hiệu của cuộc sống thường ngày, dễ dàng đánh giá và cảm nhận thích hay không thích mà không phải e dè hay lo sợ.

Triết lý chủ đạo của xu hướng nghệ thuật Pop Art là mong muốn tạo ra một hình thức nghệ thuật có ý nghĩa ngay lập tức. Để thể hiện triết lý đó, với các họa sỹ Pop Art thì mọi thứ bình thường nhất trong cuộc sống đều có thể trở thành nghệ thuật. Họ lấy ý tưởng và chi tiết từ khắp mọi nơi như phim ảnh, quảng cáo, tạp chí, trò chơi dân gian, áp phích,… để đưa vào các tác phẩm của mình. Những hình ảnh hết sức quen thuộc với cuộc sống hiện đại lúc bấy giờ như chai Coca Cola, vỏ đồ hộp Campbells, diễn viên nổi tiếng Marylin Monroe, … đều được sử dụng. Màu sắc trong tranh của họ thường tạo nên cảm giác tươi mới, trẻ trung, giàu sức sống với việc sử dụng các màu nổi (thường là màu bậc 1) theo thủ pháp tương phản tạo ấn tượng với người xem. Các họa sỹ Pop Art đã sử dụng những chất liệu và kỹ thuật tân tiến nhất của thời đại để thể hiện các tác phẩm của mình, từ sơn Acrylic, cắt dán, các vật liệu lạ lùng đến kỹ thuật in ấn hàng loạt trong đô thị. Chính nhờ những yếu tố đó mà các tác phẩm của xu hướng Pop Art gần gũi với đông đảo quần chúng hơn và dễ dàng đưa những thông điệp của nó vào cuộc sống.

Một triết lý khác của xu hướng nghệ thuật Pop Art là: Ý tưởng và quá trình tạo nên tác phẩm quan trọng hơn là bản thân tác phẩm nghệ thuật. Điều này cũng là một nét “nổi loạn” của Pop Art so với nghệ thuật truyền thống, chỉ thừa nhận giá trị và ngữ nghĩa của một tác phẩm hoàn chỉnh. Triết lý này gần với tư tưởng của phong trào văn hóa Dada đầu thế kỷ XX.

2. Phong trào văn hóa Dada

Dada hoặc Dadaism là một phong trào văn hóa bắt đầu từ Zürich, Thụy Sĩ, trong thời kì thế chiến I và đạt đỉnh trong giai đoạn 1916-1922. Phong trào này chủ yếu liên quan đến nghệ thuật thị giác, văn học, thơ ca, tuyên ngôn nghệ thuật, lí thuyết nghệ thuật, sân khấu, thiết kế đồ họa… chống chiến tranh thông qua việc loại bỏ các tiêu chuẩn hiện hành trong nghệ thuật bằng các công trình văn hoá chống nghệ thuật. Mục đích của nó là để chế giễu những thứ mà những thành viên của phong trào này xem là vô nghĩa về thế giới hiện đại. Những họa sĩ tham gia trong trường phái Dada phải kể đến như: Apollinaire, Marinetti, Picasso, Modigliani, Kandinsky- “Các nghệ sĩ nhạy cảm với sự phát triển những cách thể hiện mới”.

Tuy nhiên, phong trào Dada sớm đi vào tiêu cực và cực đoan khi phá hoại các giá trị cổ điển, bôi nhọ các giá trị truyền thống và đổ lỗi tất cả là do chiến tranh Thế giới thứ I. Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến một số nghệ sĩ của xu hướng Pop Art qua một vài cương lĩnh chống nghệ thuật (anti-art) hay phản thẩm mỹ (anti – aesthetic). Nhưng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong xu hướng này, còn lại đại đa số các nghệ sĩ theo xu hướng Pop Art mặc dù thể hiện tính “nổi loạn” cao.

3. Chủ nghĩa thực dụng

Nói đến triết lý chủ đạo của Pop Art, hay chủ nghĩa Dada, chúng ta thấy nổi bật lên là tính thực dụng trong các tác phẩm. Đặc điểm này có thể thấy rất rõ là chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng của học thuyết “Chủ nghĩa thực dụng”do hai triết gia Mỹ, Charles Peirce và William James, đồng sáng lập vào cuối thế kỷ 19. Về sau, học thuyết này được John Dewey phát triển thành thuyết công cụ (instrumentalism).

Với bối cảnh xã hội không đánh giá đúng bản chất vị thế của văn hóa, những người theo chủ nghĩa thực dụng cho rằng chân lý của đức tin không nằm trong sự tương hợp của họ với thực tại mà nằm ở sự hữu ích và hiệu quả. Bởi lẽ, sự hữu ích của bất kỳ đức tin nào, trong bất kỳ thời điểm nào, có thể phụ thuộc vào hoàn cảnh. Peirce và James đã khái niệm hóa chân lý cuối cùng là cái chỉ được thiết lập trong tương lai, tức cái được đúc kết bởi tất cả các quan điểm.

Ảnh hưởng từ những tư tưởng của học thuyết này, các tác phẩm của xu hướng Pop Art luôn bắt đầu từ những hình ảnh mang tính đại chúng và thực dụng cao trong xã hội. Chính sự hiện diện của những yếu tố thực sự hữu ích và là biểu tượng của xã hội đương thời làm cho nghệ thuật xích lại gần công chúng hơn, dễ dàng truyển tải thông điệp của nghệ sỹ.

4. Những quan điểm triết học của Ludwig Wittgenstein

Bên cạnh chủ nghĩa thực dụng, những quan điểm triết học của Ludwig Wittgenstein (1889-1951) thể hiện trong tác phẩm “Khảo sát về triết học”(Philosophical Investigations) cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên triết lý của xu hướng Pop Art. Ông được xem là một trong những nhà triết học quan trọng nhất của thế kỷ 20, có nhiều đóng góp quan trọng trong logic, triết học về toán, triết học tâm thức và triết học ngôn ngữ. Hai quyển sách “Cương lĩnh lý luận và phê bình triết học” (Tractatus Logico-Philosophicus) và “Khảo sát về triết học” (Philosophical Investigations) đều tập trung vào vai trò của ngôn ngữ trong tư duy của con người, và quan tâm hàng đầu đến ranh giới giữa chuyện dùng ngôn ngữ có đúng chỗ hay không, hay như có người từng diễn đạt – là vẽ đường phân chia ranh giới ở nơi bắt đầu của có nghĩa và vô nghĩa.

Trong khi những tư tưởng trong quyển “Cương lĩnh lý luận và phê bình triết học” được trường phái Minimalism ở Mỹ, trong thập niên 60 sử dụng như là tư tưởng chủ đạo, thì quyển “Khảo sát về triết học” của ông lại gây ảnh hưởng mạnh đến xu hướng Pop Art. Bởi lẽ, tác phẩm này đã khuyến khích sự phát triển của “Triết học ngôn ngữ bình dân”, được phát triển bởi Gilbert Ryle, J. L. Austin, và một số người khác. Trong đó, sự rõ ràng của ý nghĩa được hiểu là có tầm quan trọng cao nhất. Những tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm của các nghệ sỹ Pop Art. Trong các phát biểu của Andy Warhol, ông luôn khẳng định rằng: Tranh của ông chỉ là tất cả những gì nằm trên mặt vải – Đó cũng chính là sự “nổi loạn” của Pop Art khi đi ngược lại những bố cục truyền thống, hàm chứa những ý nghĩa sâu xa và xa rời đại bộ phận quần chúng của nghệ thuật hàn lâm.

Kết luận

Những triết lý của xu hướng nghệ thuật Pop Art khi đi vào thực hành kiến trúc đã tạo nên các công trình với những nét sắc thái rất riêng và những thông điệp hết sức thời đại. Những công trình theo phong cách Pop Art cũng mang hơi thở của Chiết trung. Tuy nhiên, đó không phải là sự chiết trung nghiêm ngặt của Tân cổ điển, cũng không phải là sự rườm rà của Artdeco, cũng không phải là gạn lọc những hình thức kỷ hà như Duy lý Italy ,… mà đơn giản, có thể hiểu nó như một sự Chiết trung bình dân. Cũng là đầu cột Ionique, nhưng trong kiến trúc Pop Art nó lại trở thành đầu cột Mickey (KTS.Venturi), cũng là thức cột người Cariathide, nhưng trong thiết kế Walt Disnet Concert Hall của Hans Hollein thì lại thành tượng Oscar đứng, hay phóng đại cái khóa vòm trên nhiều công trình nổi tiếng như công trình Tòa thị chính ở Portland của Micheal Grave… Tất cả những yếu tố đó làm cho kiến trúc Pop Art đóng vai trò như những tiếng nói trào phúng, thức tỉnh dư luận và từ đó kéo những triết lý thiết kế lại gần hơn với đời sống con người thay vì quá kì công như kiến trúc cổ điển, hay quá xơ cứng như kiến trúc hiện đại. Cũng chính vì đóng vai trò như tiếng nói trào phúng, hay điểm nhấn cho việc thể hiện cá tính, quan điểm của người thiết kế mà xu hướng Pop Art vẫn luôn được ưa chuộng từ khi nó xuất hiện đến nay.

Nghệ thuật Pop Art là nghệ thuật của đời thường, những bức vẽ thì đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu. Những nhân vật và đồ vật trong tranh thì được thể hiện bằng những màu sắc sống động và đưa đến một sự tiếp cận mới đối với thực tiễn. Các tác phẩm thực nghiệm đầu tiên của Pop-Art được các nhà phê bình đánh giá cao và coi trọng vì nó có rất nhiều nền tảng văn hóa, từ quan điểm tư tưởng sáng tác và kỹ năng sử dụng vật liệu, bởi thế các nhà nghệ sĩ Pop Art đã gây được những ảnh hưởng rất sâu xa.

Nội thất theo phong cách Pop Art

 Ngày nay, Pop Art cũng vẫn đang là một trào lưu nghệ thuật độc đáo và thịnh hành. Tuy nhiên, các thiết kế nội thất và kiến trúc theo phong cách này không chỉ đơn thuần là việc sử dụng màu sắc tương phản, tươi mới, sắp đặt những chi tiết “theo ngẫu hứng”; cũng không đơn giản là sự biến tấu một chi tiết kiến trúc cổ điển theo kiểu hiện đại, hay sử dụng các chi tiết một cách phi tỷ lệ rồi nhận là thiết kế theo phong cách Pop Art… Bởi lẽ, mỗi công trình dù sử dụng thủ pháp gì vẫn phải bảo đảm sự thống nhất thể hiện được những ý nghĩa mà nó muốn truyền tải. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nguồn gốc và những tư tưởng chủ đạo của Venturi, của Chủ nghĩa thực dụng hay “Triết học bình dân” sẽ rất tốt trong việc định hướng tư tưởng – Để những thiết kế thực sự mang phong cách Pop Art.

Ths. KTS. Trần Xuân Tuấn
Khoa Kiến trúc – Đại học kiến trúc Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2017)

 , , ,