Môi trường sống, nơi tạo dựng và phát triển nguồn lực con người, là một trong những nền tảng quan trọng. Lịch sử phát triển của nó cho thấy một quá trình thay đổi liên tục, kế thừa tiếp nối nhau, chọn lọc để thích nghi của những kiểu mẫu giống như “ADN” – Mang thông tin di truyền trong tự nhiên để tạo dựng môi trường sống. Dưới góc độ nhà thiết kế thì các vấn đề như: Tính kế thừa, tính biểu tượng, tính biểu cảm, hay phong cách thiết kế,..một phần nào đó mang chứa những hình mẫu “gen di truyền” của quá trình phát triển này. Cho dù là phong cách thiết kế nào thì nó cũng tồn tại ý tưởng cốt lõi của tạo dựng không gian môi trường sống. Các nhà thiết kế luôn coi đây là mã “gen” quan trọng nhất cần khám phá.
Những khái niệm chung
Phong cách thiết kế, được hình dung khái quát là một tập hợp của đường nét, màu sắc, hình khối với tỉ lệ mang đặc trưng biểu hiện của chất liệu. Còn ở một mức độ cao hơn của thiết kế, đó là ý tưởng cốt lõi, một giải pháp để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Như vậy, có thể thấy rằng: Phong cách thiết kế có các biểu hiện hình thức gắn với nội dung của nó.
Thiết kế nội thất và trang trí nhà cửa thường xuyên bắt gặp các phong cách thiết kế A, B, C nào đó. Tên gọi của chúng được coi như một “nhãn mác” có tính hình thức, tương đương với thương hiệu thiết kế thời trang hoặc hàng hóa dịch vụ khác. Việc bắt chước về hình dáng, tỉ lệ và màu sắc biểu hiện ra bên ngoài của một phong cách diễn ra phổ biến. Ngay cả các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi cũng chọn cho mình những cái tên để thu hút khách hàng. Trải qua một thời gian ngắn, các tên gọi phong cách thiết kế được mang một ý nghĩa có tính “thời thượng” hơn. Phong cách thiết kế nội thất phần nào chuyển thành một tiêu chuẩn về hình thức cần “sao chép theo”. Trong thực tế, chúng ta luôn bắt gặp những lựa chọn thiết kế cho thấy sự chạy theo hình thức thuần túy hơn là tìm cách giải quyết vấn đề gặp phải, ví dụ như:
- Thiết kế thiên về lựa chọn “thêm vào” hơn là “bớt đi”: Đã làm nội thất là gần như phải làm cái này, đắp cái kia – Phải có trần thạch cao, phải có đèn mắt cua, cho dù là bất cứ phòng chức năng gì. Đèn chiếu vào mặt khi ngủ, vào gáy khi ăn, vào lưng khi soi gương… Thêm vào như vậy là một sự lãng phí và vô ích;
- Thiết kế luôn ưu tiên sự “loại bỏ” hơn là “chọn giữ lại”: Các thiết kế nội thất ngày nay chủ yếu dựa trên bài toán nâng cấp nên tư duy phá bỏ đi và làm mới trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nó cũng là một biểu hiện cho thấy việc chạy theo hình thức hơn là nội dung cần có;
- Thiết kế tìm kiếm cái “mới lạ chưa từng dùng” hơn là “quen thuộc đã sử dụng”: Tính mới lạ, hấp dẫn phần nào làm thay đổi ý tưởng cốt lõi của việc phát triển không gian sống vì con người. Các dự án đầu tư luôn đặt sự khác biệt đẳng cấp của không gian sống theo một cách rất “khác biệt”. Rất nhiều tạp chí, các chuyên trang về nhà cửa luôn chọn những hình mẫu độc, lạ mắt, trải nghiệm mới mẻ hơn là tính thích dụng của nó. Thực tế là có rất nhiều vấn đề chỉ thay đổi khi môi trường thay đổi.
Trong giai đoạn phát triển ban đầu của các không gian cư trú. chúng ta tạo ra các mô hình quần tụ, các dạng tròn phần nào phản ánh cách sinh hoạt cũng như tính chất của các vật liệu tự nhiên mà con người khai thác được. Qua thời gian, những hình hài có tính vuông vức hơn đại diện cho các mô hình không gian có sự sắp xếp, có sự phân chia cũng như đại diện cho các vật liệu mà con người tạo ra để sử dụng. Do đó, có thể thấy rằng ý tưởng đầu tiên xuất phát từ nhu cầu tạo dựng không gian sống. Ngày nay, các phong cách thiết kế và phương thức tạo dựng không gian khác nhau đem đến nhiều biểu hiện phong phú xong đặc tính cốt lõi đó vẫn không thay đổi.
Dưới góc độ thiết kế, việc tách hình thức của phong cách khỏi nội dung của nó dẫn đến những cách hiểu sai lệch, không giải quyết được các vấn đề thiết kế đòi hỏi. Các lựa chọn theo hình thức bên ngoài thuần túy thường tiềm ẩn rủi ro về khả năng thích ứng để tồn tại với môi trường sống mới của thiết kế đó. Trong rất nhiều tác phẩm, từ kiến trúc đến nội thất hay thiết kế đồ đạc, cho dù là phong cách nào, nếu chỉ chú ý đến hình thức thuần túy đều sẽ làm mất đi “cái chất -cái gen – cái di truyền” của nội dung phong cách thiết kế đó.
Một số ví dụ tiêu biểu
Trong tác phẩm kiến trúc Thư viện Quốc gia Alexandria – Ai Cập, một vài tài liệu có nêu ra quan điểm: Ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng từ một chiếc đĩa CD khổng lồ, đại diện cho công nghệ và phát triển tri thức. Thực sự rất khó để hiểu được đâu là ý đồ của nó, có thể thiết kế lần sau sẽ là ổ cứng, hay màn hình, hay con chuột,.. Điều này hoàn toàn là mô phỏng hình thức chứ không phải phong cách biểu hiện nào.
Cũng tương tự như vậy, khi nói về các phong cách giải tỏa kết cấu rất nhiều người liên tưởng đến các hình thù kỳ lạ, cho rằng đó là đặc trưng cho phong cách. Nội thất cũng như vậy, tạo dựng từ các đường cắt xiên, mảng miếng nghiêng ngả với một biểu đạt rất “hình thức”.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu một số công trình, cụ thể ở đây là Thư viện của Rem Koolhaas mới thấy rằng giải pháp tổ chức không gian được đặt lên hàng đầu. Việc công trình có các không gian đa dạng xử lý khác nhau để thích ứng với môi trường nhờ sự giúp đỡ của các cấu trúc lại chính là đặc điểm nổi bật nhất. Sự linh hoạt thích ứng hơn trong cách xử lý phân chia không gian mang đến một phương thức thiết kế mới.
Bước vào thế kỷ 20, khi nhà cao tầng ở giai đoạn phát triển ban đầu, các hình mẫu cổ điển vẫn được sử dụng. Có công trình cao tầng mặt tiền sử dụng hình ảnh của nhà thấp tầng lặp đi lặp lại xếp chồng lên nhau, có công trình là tháp chuông nhà thờ được đặt trên các khối vuông với khoảng lùi nhất định. Một bài toán mới về cấu trúc cao tầng lúc đó vẫn tin rằng có thể được giải quyết hết sức đơn giản bằng các cách truyền thống. Tuy vậy, trải qua thời gian, tốc độ phát triển, sự thích nghi với đô thị đã làm nó dần mất đi lợi thế. Ngay cả trong thiết kế nội thất, việc sử dụng các cột cổ điển cũng ít phổ biến hơn vì sự chiếm dụng không gian của nó. Cái giá của hình thức ngày một lớn hơn nên không phải lúc nào các yếu tố cổ điển cũng được sử dụng.
Phong cách thiết kế hiện đại mang quan niệm về không gian mở và sự linh hoạt trong các xử lý bề mặt, tuy vậy không phải lúc nào cũng đặt ra các vấn đề gắn với nội dung. Ví dụ như thiết kế văn phòng thì việc đóng hay mở thực sự dựa trên quản lý nguồn lực hiệu quả hơn là các yếu tố hình thức khác.
Hay các không gian dành cho giáo dục, rất ít khi chúng ta cho rằng học tập lại cần ưu tiên xử lý các thiết kế trần. Tuy vậy, nếu đánh giá một cách cụ thể thì âm thanh, không khí học tập, điều kiện ánh sáng,.. được sự trợ giúp của trần.
Các phong cách thiết kế Bắc Âu cho thấy một hiện tượng thú vị khác, cùng là các phát triển của phong cách nghệ thuật thủ công truyền thống song kết quả lại mang một hình ảnh hoàn toàn khác biệt. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự “đóng” của cộng đồng và lịch sử lâu đời đã làm nên bản sắc của các mẫu thiết kế. Khi tìm hiểu các mẫu thiết kế này mới thấy giá trị tạo tác của những nghệ nhân cảm nhận khi chạm, sờ, khi đặt mình thành một phần của người sử dụng đã làm nên thành công vang dội trên toàn thế giới. Rất tương phản với các cửa hàng nội thất của ta với cảm nhận không ngồi, không sờ, không chạm.
Có thể kể ra một số ví dụ khác về thiết kế đồ đạc. Thiết kế ghế của Frank Lloyd Wright với lưng tựa cao được rất nhiều người cho rằng mang đến quyền uy, sang trọng. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu chỉ ra đây là ý tưởng để tạo ra một không gian ăn ước lệ mang đến cảm giác ấm cúng với đèn ở góc bàn và ghế có lưng tựa cao.
Việc chú trọng đến dáng vẻ hình thức hơn là đặc điểm đặc trưng cũng thường xuyên bắt gặp trong các mẫu thiết kế đồ đạc.
Với thiết kế của Alvar Alto thì có lẽ quá đơn giản, quá ít thiết kế nên cũng không cần bận tâm với việc nó được theo đuổi thế nào và đã được sử dụng rộng rãi ra sao. Tuy nhiên, ít thiết kế nhất lại cũng chính là một tiêu chí để tạo nên một thiết kế tốt.
Thay lời kết
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện ra bên ngoài thì rất khó để hình dung ra ý tưởng chính, thứ tạo dựng nên không gian và chức năng sử dụng cũng như khả năng thích ứng, mang “gen” di truyền cho các tác phẩm cũng như phong cách thiết kế của nó.
Hiện nay, “đa phong cách” cũng là một đặc trưng của phong cách cho thấy khả năng thích ứng và các cách giải quyết vấn đề nhạy bén với sự trợ giúp của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn,… Cho dù là phong cách nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn chính là nội dung của thiết kế – Hướng tới một môi trường sống an toàn, bền vững và tốt đẹp hơn.
Nguồn: KTS Ngô Nam Phương
Tạp chí kiến trúc
Xem thêm:
GK Archi thiết kế DIC Landmark Condotel Vũng Tàu
Ngôi nhà mang khối hình học kim loại đặc biệt ở Ấn Độ
cảnh quan và kiến trúc, công trình kiến trúc, GK Archi tư vấn thiết kế kiến trúc, phong cách thiết kế