Quá trình sáng tạo của 4 KTS tiên phong trong kiến trúc hiện đại

Le Corbusier, Mies van der Rohe, Frank Lloyd Wright và Louis Kahn là 4 trong rất nhiều KTS vĩ đại nhất tới nay. Hãy cùng tìm hiểu quá trình sáng tạo của 4 vị KTS hàng đầu của kiến trúc hiện đại và cùng lí giải lí do tại sao công trình và phương thức của họ vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới chúng ta. 

Kiến trúc luôn đứng giữa bờ vực của lí trí và nghệ thuật. Khi nghiên cứu kiến trúc, hiếm khi chúng ta chỉ có một phương thức tiếp duy nhất, dẫn tới vô vàn kết quả và phương pháp thiết kế một công trình. Tuy nhiên, để tìm ra lập trường của bản thân, chúng ta cần phải nhìn lại những logic và triết lí mà các KTS tiên phong – những người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới kiến trúc trước chúng ta – để lại.

Le Corbusier và “Chương trình thiết kế” 

kiến trúc hiện đại
KTS Le Corbusier

Le Corbusier từng nói: “Một ngôi nhà là cỗ máy để ở.” Vị đại KTS có một cách tiếp cận rất khoa học và lí trí khi bắt đầu quá trình sáng tạo của mình. Không hề chịu ảnh hưởng bởi bất cứ ai đi trước, KTS luôn bắt đầu bằng một cách thức: ông suy ngẫm về chương trình thiết kế.

kiến trúc hiện đại 1
Villa Savoye. Ảnh © Yo Gomi 

KTS người Pháp gốc Thụy Sĩ tin rằng: “tạo nên kiến trúc là tạo nên trật tự. Tạo nên trật tự cho cái gì? Công năng và vật thể.” Thực tế, Le Corbusier luôn phân biệt và định nghĩa những ‘cơ quan’, hay công năng theo các thuật ngữ khác. Những thực thể đơn lẻ này hòa quyện và tạo nên một đồ án thiết kế.

Tuy nhiên, quá trình sáng tạo của ông không dừng ở đây. Ông coi lưu thông và cấu trúc là những yếu tố. Với ông, khu đất là một phần của chương trình tổng thế. Dù đó là công trình thế nào hay kết quả cuối cùng sẽ ra sao, Le Corbusier luôn bắt đầu quy trình của mình bằng cách hiểu rõ 3 thực thể chính: cơ quan, cấu trúc và lưu thông.

kiến trúc hiện đại 2
 High Court, Chandigarh, Ấn Độ. Ảnh © GB Pandey

Sau này, lý luận của KTS đã phát triển mạnh qua 5 nguyên tắc kiến túc nổi tiếng. Le Corbusier nói: “Cuộc sống hiện đại luôn luôn yêu cầu, và luôn chờ đợi một kế hoạch mới, một kiến trúc hiện đại mới.” Những bức tường chịu lực bị dỡ xuống và được thay thế bằng hệ pilotis, giải phóng tầng triệt và cảnh quan. Điều này đảm bảo được tính linh hoạt cao của nội thất, và sự đa dạng phong phú cho bố cục không gian và xung quanh. Một khu vườn trên mái thay thế cho không gian bị mất trên mặt đất. Cuối cùng, khi những bức tường hỗ trợ không còn nữa, cửa sổ trên mặt tiền mở rộng theo chiều ngang, giúp ánh sáng tràn vào công trình. Le Corbusier cho biết: “Ánh sáng thể hiện cấu trúc, đồng thời mang tới cảm giác về một chốn về.”

Mies van der Rohe và hành trình không nghỉ tìm tới chân lý 

kiến trúc hiện đại 3
KTS Ludwig Mies van der Rohe

KTS Ludwig Mies van der Rohe là nguồn cảm hứng của rất nhiều người. Sinh thời, KTS người Mỹ gốc Đức đã có rất nhiều cơ hội trải nghiệm với nhiều quan điểm và nhiều loại kiến trúc. Ông đã thay đổi phương thức thiết kế của mình ít nhất 5 lần trong đời, tạo nên nhiều phong cách kiến trúc khác biệt.

Những năm tháng đầu tiên, KTS đến với kiến trúc bằng cách bảo vệ tiêu chuẩn, và ông đã trải qua những năm tháng của chủ nghĩa tối giản, thời đại tôn vinh vật chất là cốt lõi của kiến trúc, và cuối cùng tự tạo cho mình một phương pháp rất tâm linh và triết học. Tuy nhiên, trong những thay đổi của mình, KTS vẫn liên tục tìm kiếm câu hỏi của thời đại mình. Ông không ngừng giải quyết vấn đề và tìm kiếm giải pháp với thuật ngữ do chính ông nghĩ ra – ‘chân lý của kỷ nguyên’.

KTS cho hay. “Kiến trúc là ý chí của một kỷ nguyên muốn hòa mình vào không gian.” Sự thay đổi không ngừng trong tư duy của KTS bắt nguồn từ hành trình tìm kiếm chân lý không biết mệt mỏi của mình. Khi thời đại đổi thay, những vấn đề cũng đổi thay và kiến trúc sư bắt đầu tự hỏi những điều hoàn toàn khác biệt. Với ông, câu trả lời cho những vấn đề tồn đọng của thời đại có thể được giải đáp qua kiến trúc.

kiến trúc hiện đại 4
Chicago Federal Center. Ảnh © BM

Khi trút bỏ kiến trúc về nguyên dạng tinh khiết nhất của nó, Mies van der Rohe đã quan sát từ xa để nhìn một bối cảnh lớn lao hơn trên nề kiến trúc hiện đại. Dù rất lí trí, ông vẫn khẳng định rằng đây là một vấn đề triết học, liên quan tới bối cảnh thời đại. KTS chia sẻ: “Những cấu trúc thời đại trước mang tầm quan trọng không phải vì chúng là thành tựu kiến trúc, mà do hoàn cảnh. Các ngôi đền cổ, nhà thờ La Mã, nhà thời Trung Cổ, tất cả những kiến trúc ấy không phải là thành quả của một cá thể, mà là thành phẩm sáng tạo của toàn bộ kỉ nguyên.”

kiến trúc hiện đại 5
Farnsworth House. Ảnh © Prints & Photographs Division

Kiến trúc – như một tổng thể – ám chỉ rằng cấu trúc và hình thức luôn liên kết với nhau. Cuối cùng, phương thức lí thuyết của ông đề cập tới yếu tố trong bố cục được liên kết với nhau như thế nào. “Kiến trúc bắt đầu khi ta cẩn thận đặt hai viên gạch với nhau. Khi đó bắt đầu có:” tính xác thức của hình thức, giá trị của công năng và bản chất của vật liệu.

Frank Lloyd Wright và sự hợp nhất Không-Thời gian 

KTS Frank Lloyd Wright

Trả lời phỏng vấn của Mike Wallace vào năm 1957, KTS Frank Lloyd Wright đã chia sẻ về tầm nhìn của mình: “Câu trả lời nằm trong chính bạn, bên trong bản chất những gì bản thân bạn thể hiện ra. Khi Chúa nói ‘Vương quốc Thiên Chúa nằm bên trong bạn’, tôi nghĩ kiến trúc cũng như vậy. Kiến trúc nằm ở đó, tính nhân đạo nằm ở đó, và tương lai của chúng ta sẽ nằm ở đó.”

Wright được đánh giá là người hùng đa tài của làng kiến trúc Mỹ với một triết lý mà ông gọi là “kiến trúc hữu cơ” trên kiến trúc hiện đại tương lai. Triết lý này xuất phát từ thế giới tự nhiên, không phải là bắt chước mà là tái diễn giải lại thiên nhiên thông qua việc tiếp thu logic thúc đẩy không gian thiên nhiên.

 Fallingwater. Image © Pablo Sanchez Martin
Fallingwater. Ảnh © Pablo Sanchez Martin

KTS cho biết, kiến trúc hữu cơ là một cấu trúc được phát triển dựa trên một tính hợp lí cụ thể, có thể kết nối được với không gian và thời gian. Tựa như một hệ thống, lý thuyết này bao gồm những thành phần có liên hệ chặt chẽ với nhau, hay nói cách khác, công trình và khu đất là hai thực thể giao thoa với một không gian liên tục không thể bị phá vỡ – không gian này chỉ sụp đổ khi một trong hai thực thể bị xóa bỏ.

Với KTS – người đã nói rằng “Tôi tin Thượng đế, tôi chỉ đánh vần chữ đó là Thiên nhiên” – kiến trúc nên được coi là một sinh vật sống hòa mình vào khu đất, và một công trình nên hòa nhập vào thời đại của nó, dù cho đó là thời đại nào, để thuận tiện cho con người sử dụng không gian. Điều này chỉ có thể đạt được khi con người kết nối với thiên nhiên.

Frank Lloyd Wright Home Studio. Ảnh © American Building Survey
Frank Lloyd Wright Home Studio. Ảnh © American Building Survey

Dù trong dự án nào, phương pháp sáng tạo của Wright luôn hướng tới một cách tiếp cận hữu cơ. “Một đồ án tốt phải tốt cả khởi đầu và kết thúc, vì mọi đồ án tốt đều mang tính hữu cơ, phát triển theo hướng tất yếu, không thể tránh khỏi” – hiển nhiên, điều nay mang ý nghĩa không quá trình nào nằm ngoài kiến trúc hữu cơ. Công trình sẽ trở thành một tế bào của môi trường, chỉ có thể tồn tại trong những hoàn cảnh cụ thể, và không thể bị tháo bỏ hay lắp ráp lại ở bất kỳ nơi nào khác. Điều này vừa đi ngược lại với chỉ dẫn của thời đại của ông, vừa tách biệt khỏi triết lý tiêu chuẩn hóa.

Louis Kahn và giá trị tinh thần 

Louis Kahn. Ảnh © Lionel Freedman
KTS Louis Kahn. Ảnh © Lionel Freedman

KTS Louis Kahn đã dành phần lớn thời gian của mình vào học thuật và nghiên cứu, thế nên ông bắt đầu sự nghiệp tương đối muộn. Những nghiên cứu về kiến trúc ban đầu của ông được một giáo sư người Pháp hưỡng dẫn, giúp ông nắm vững các khái niệm về phong cách kiến trúc Beaux-Arts. Nền tảng kiến trúc ấy đã khuyến khích Louis Kahn tìm tòi cảm hứng từ lịch sử. Nhiều người coi ông là KTS cuối cùng của chủ nghĩa hiện đại, cũng có nhiều người coi ông là nhà tiên phong cho phong trào hậu hiện đại. Nhưng dù gì đi nữa, Kahn đã diễn giải lại quá khứ, chứ không hề sao chép.

Jatiyo Sangshad Bhaban, Dhaka, Bangladesh. Ảnh © Erkännande-Dela
Jatiyo Sangshad Bhaban, Dhaka, Bangladesh. Ảnh © Erkännande-Dela

Phương pháp của KTS bao gồm quá trình rút ra kết luận để đề xuất một kiểu kiến trúc mới ‘hợp lý’ dựa trên những giảng dạy trong quá khứ. Ông luôn sử dụng những tài liệu trung thực nhất có thể. KTS luôn bắt đầu với mặt bằng vuông làm cơ sở cho thiết kế của mình. Ông giải thích rằng: “Tôi dùng hình vuông để tìm tòi giải pháp vì hình vuông thực sự không phải lựa chọn. Trong quá trình phát triển, tôi sẽ tìm kiếm những tác động gỡ bỏ hình vuông.” Có thể nói, hình vuông khơi gợi quá trình sáng tạo kiến trúc trong ông, và giúp ông đánh thức sức sáng tạo khi gặp trở ngại. Trên thực tế, toàn bộ quá trình của Louis Kahn có thể tóm tắt như sau: lựa chọn một hình thức đơn giản, một vật liệu thiết thực, không gian liên kết theo phương pháp và diễn giải với ánh sáng tự nhiên.

Institute of Management Ahmedabad. Ảnh © Cemal Emden
Institute of Management Ahmedabad. Ảnh © Cemal Emden

Để tạo ra không gian với những đặc tính đặc trưng như thếthích hợp với kiến trúc hiện đại, KTS lập nên hệ thống và thể tích kiến trúc tại trung tâm bố cục. Cuối cùng, KTS cho biết kiến trúc là tập hợp của những yếu tố đơn giản phản ứng với nhau, cùng tồn tại qua sự phản chiếu ánh sáng. Mặt khác, ông giải thích thêm rằng căn phòng là “sự khởi đầu của kiến trúc. Là nơi chốn của tâm trí. Bạn đứng trong căn phòng với kích thước riêng, cấu trúc riêng, ánh sáng riêng và phản ứng lại đặc tính và tinh thần của nó, rồi nhận ra rằng mọi thứ con người đề xuất và tạo ra đang tràn ngập sức sống. Cấu trúc của căn phòng phải được hiển hiện trong căn phòng.
Tôi tin cấu trúc là nguồn sáng. Một căn phòng vuông cần có ánh sáng riêng để thể hiện hình vuông. Căn phòng ấy sẽ mong muốn đón nhận ánh sáng từ bên trên hoặc từ bốn phía, từ cửa sổ hoặc lối vào.” Giá trị tinh thần của không gian được đề cập tới trong phương pháp của Kahn là yếu tố quyết định vật liệu được dùng tới, những lối vào được tạo ra, những màu sắc được chọn lọc, khoảnh cách giữa các yếu tố, tỉ lệ, vân vân. Đây là một câu hỏi về giá trị và chất lượng của công năng phù hợp với kiến trúc hiện đại.

Nguồn : HD | Archdaily

Xem thêm:

Những viên ngọc sáng của nền Kiến trúc Mỹ Latin

WA Awards 2020: Nhà Văn Hóa Sinh Viên TP.HCM đạt giải ở hạng mục công trình đã thực hiện

 , , , ,