Trong nhiều năm qua, có một số đô thị đã thu hút nhiều khách du lịch và ai đã từng qua đây lại muốn ước giá mà nơi ở của mình cũng được như vậy.
Vì sao? Có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất chính là nhờ vào bài toán quy hoạch. Đó là trường hợp của Venice, Singapore hay Copenhagen… là những ví dụ điển hình.
Venice là một đô thị được thiết kế nhằm phát triển mạnh đời sống cộng đồng cũng như cá nhân, một TP thân thiện với người dân [Cities for People].
Với tình trạng dân số bùng nổ như hiện nay khi 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, một TP thân thiện với người dân là điều vô cùng quan trọng.
Venice thơ mộng.
Theo ý kiến của các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, một quy hoạch như vậy sẽ gặp thất bại và không thể làm cho đô thị trở nên lành mạnh, an toàn và bền vững. Đã đến lúc các nhà quản lý phải nghĩ tới những yếu tố sau:
Chấm dứt kiểu “quy hoạch cơi nới”
Trong suốt bao năm qua, hầu hết các nhà quy hoạch trên thế giới lập ra các quy hoạch mà trong đó buộc người dân phải sống nhiều thời gian trong các tòa nhà văn phòng, trong phương tiện giao thông. Quy hoạch này đã không chú trọng đến việc tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí để người dân tham gia các hoạt động ngoài trời.
Hầu như các đô thị lớn đều ngập trong những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, tàu điện ngầm… mà không thể có một môi trường sống như trường hợp của đô thị Venice. Bao năm qua, xây dựng tập trung vào phát triển nhiều dự án ở những khu vực ngoại ô rộng lớn, những khu đô thị vệ tinh nằm ven các trung tâm và hướng tới những dự án giao thông để phục vụ cho sự di chuyển của những khu vệ tinh này. Họ cho rằng như thế là hợp lý bởi người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông thuận tiện.
Điều đó có phần nào hợp lý về mặt phát triển mở rộng không gian nhưng thực tế cho thấy kiểu quy hoạch này trở nên rất tệ cho sức khỏe người dân. Quy hoạch như thế làm cho người ta phụ thuộc vào xe cơ giới, bị tù túng trong các tòa nhà cao ốc ngút ngàn mà không có cơ hội tận hưởng thiên nhiên.
Nghiên cứu cho thấy những người sống ở ngay tại trung tâm đô thị có tuổi thọ cao hơn những người sống tại các khu đô thị ven trung tâm. Bởi vì những người ở trung tâm đô thị ít phải di chuyển hơn trong các xe cơ giới bó hẹp, họ đi bộ nhiều hơn trong khi người dân sống ở ngoại vi lại đi xe nhiều hơn. Việc di chuyển trong xe làm cho họ không có cơ hội để đi bộ và thưởng ngoạn thiên nhiên.
Quy hoạch “cấm xe hơi”
Đô thị không xe hơi là khát khao của người dân đô thị.
Quy hoạch nên hướng tới việc loại bỏ xe hơi và sử dụng những phương tiện giao thông khác. Việc quá chú trọng vào dòng xe tự động hay xe điện hay những sản phẩm tương tự chỉ có lợi cho ngành ôtô mà chẳng lợi ích gì cho đời sống người dân.
Trường hợp của Singapore cho thấy xe hơi không phải là lựa chọn tốt nhất cho quy hoạch những TP lớn. Khi diện tích đất đã hết và không có chỗ cho xe hơi. Thay vào đó, đi bộ và xe đạp lại là những giải pháp hữu hiệu hơn cả.
Như vậy, để trở thành một đô thị sống tốt, thân thiện môi trường những nhà quản lý đô thị, kiến trúc sư và những tổ chức liên quan phải lấy trọng tâm là người dân của tư tưởng thiết kế và phát triển đô thị thay vì tập trung quy hoạch theo kiểu vì nhu cầu của “xe cơ giới”. Nghĩa là cần xoay quanh vào giải pháp nhu cầu của con người chứ không phải quy hoạch để sao cho đô thị chứa được càng nhiều xe càng tốt, có nhiều chỗ đỗ xe, chứa được nhiều người…
Quy hoạch thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng
Năm 2009, Copenhagen của Đan Mạch phát động chiến dịch biến TP thành nơi đáng sống nhất trên thế giới. Quy hoạch hướng tới người dân buộc họ phải bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi nhiều hơn. Việc đi bộ quanh TP, thăm quan những khu vực công cộng sẽ cải thiện được đời sống cộng đồng trong xã hội.
Với chiến lược này, người dân bảo vệ được môi trường khi tiêu tốn ít điều hòa và xăng xe hơn; gắn kết với cộng đồng hơn; có sức khỏe tốt hơn; thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Một quy hoạch lý tưởng là dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân. Quy hoạch phải làm sao tạo ra đô thị kiểu như Venice, nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ cảm giác mới lạ từ môi trường sống.
Quy hoạch “Thành phố vườn”
Thành phố vườn là mơ ước của bất cứ người dân nào.
TP vườn là một khái niệm hay và đầy tính nhân văn. Từ khái niệm này, đã xuất hiện loại hình đô thị sinh thái, một loại khái niệm mới về đô thị gần gũi thiên nhiên và phổ biến khắp toàn cầu hiện nay.
Khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên từ năm 1898 bởi Ebenezer Howard người Anh. Các TP vườn là các TP được quy hoạch, xây dựng với các không gian xanh và vành đai xanh. Trong TP đó, các phân khu chức năng như khu dân cư, công nghiệp, nông nghiệp đều được xây dựng khá tách biệt.
TP vườn của Howard và những nỗ lực ban đầu đưa ý tưởng của ông vào thực tế đã ảnh hưởng nhiều mặt lên quy hoạch, trong đó nhiều khu đô thị do liên bang đầu tư được xây dựng để phục vụ cho việc xây đập hay nhu cầu quân sự phản ảnh một số các nguyên tắc thiết kế của Howard. Ý tưởng chuyển hướng phát triển đô thị sang các TP vệ tinh tự kiểm chế lại nổi lên ở Mỹ trong phong trào “các đô thị mới” những năm 1960 và 1970. Vành đai xanh, toàn bộ hay một phần, tiếp tục trở thành mục tiêu và phương tiện quản lý tăng trưởng quan trọng trong nhiều khu phố. Những khái niệm thiết kế và các đơn vị ở để lại ảnh hưởng lên quy hoạch ngoại ô và các khu nghỉ mát.
Khái niệm và ý tưởng về các TP vườn được nhiệt liệt hoan nghênh ở Hoa Kỳ với hàng chục TP xây dựng theo mô hình này. Tại châu Á, TP vườn được biết đến khá muộn và Kuala Lumpur, Khu phố Đông (Thượng Hải)… chính là những TP đầu tiên thực hiện được ý tưởng này một cách khá hoàn chỉnh. Kuala Lumpur có được gương mặt đô thị hiện đại với đầy đủ sắc thái, tinh thần metropolis nhưng lại lưu giữ và tôn tạo được vẻ đẹp của thiên nhiên trong TP.
(Tài liệu tham khảo: Making healthy cities; Passion for liveable cities)
Khánh Phương
(Báo Xây dựng)