Sau Myanmar, nữ kiến trúc sư Giang Lê lên kế hoạch xuất hiện tại Singapore và các thị trường bất động sản khó tính tại châu Á.
Năm 2016, tòa căn hộ The Atrium do công ty GK Archi Việt Nam thiết kế tại Yangon (Myanmar) được tờ propertyreport.com chuyên về lĩnh vực kiến trúc hạng sang tại châu Á xếp hạng top 5 “Công trình kiến trúc đầu tư hấp dẫn của châu Á”.
Thành công mang đậm dấu dấn của nữ CEO Giang Lê với khao khát nâng tầm kiến trúc Việt Nam trên trường quốc tế.
– Vì sao chị chọn Myanmar để đưa thiết kế của công ty đến thay vì các quốc gia khác tại khu vực?
– Năm 2009, khi GK Archi mới khởi nghiệp được tách ra từ văn phòng Kiến trúc Atelier K của Pháp. Thị trường Việt Nam lúc đó khó khăn bởi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và bất động sản trong nước.
Chúng tôi đứng trước thử thách tiếp tục duy trì doanh nghiệp của mình hay không. Tôi là người đứng đầu, trách nhiệm phải lo đủ nguồn việc cho công ty đã thúc đẩy tôi phải đi xa hơn.
Tôi tìm hiểu thông tin về các nước và được biết Myanmar đang mở cửa, nhu cầu xây dựng rất lớn và cơ hội cho chúng tôi không ít. Vì vậy tôi đã quyết định tìm hiểu, thâm nhập thị trường này.
Chị Giang Lê- CEO GK Archi Việt Nam và tiến sĩ MIT – Anette Kim
Với một vài dự án nhận được và những thông tin dự báo tích cực về sự phát triển kinh tế của Myanmar chúng tôi đã quyết định thành lập chi nhánh tại Yangon và sau đó là Công ty GK Archi – Myanmar, thủ phủ kinh tế lớn nhất của quốc gia này.
– Công ty gặp áp lực như thế nào khi lần đầu đến với một đất nước mới mở cửa nền kinh tế, văn hóa, phong tục bản địa khác xa Việt Nam?
– Đối với Myanmar tôi hoàn toàn là người mới. Tôi bắt đầu bằng việc tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của đất nước, nghiên cứu về cơ hội mà tôi có thể theo đuổi.
Tôi tự tìm đến các sự kiện kết nối doanh nghiệp, giao lưu để tạo mối quan hệ. Từ đây tôi vừa giới thiệu về công ty của mình; vừa thiết lập mối quan hệ với đối tác có dự án mà doanh nghiệp có thể tham gia.
Tôi thấy rằng, việc mở chi nhánh sang các quốc gia rất bình thường nhưng với các doanh nghiệp kiến trúc Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau một thời gian, lợi thế từ thị trường Myanmar đem đến doanh thu tốt cho chúng tôi với chi phí thiết kế mỗi dự án lên đến hàng triệu USD và thường gấp 2-4 lần tại thị trường Việt Nam.
Đến năm 2015, GK Archi Myanmar là công ty kiến trúc có diện tích sàn thiết kế lớn nhất tại Myanmar. Công trình The Atrium tại Myanmar được vào top 5 công trình hấp dẫn nhất tại châu Á khi được đánh giá cao về ý tưởng và công năng. Cùng với đó là hàng loạt dự án lớn tại Myanmar được GK Archi thiết kế được tiến hành thi công.
Một trong những yếu tố giúp chúng tôi thành công ở công trình này luôn tuân thủ thiết kế kiến trúc thuần túy, tôn trọng văn hóa địa phương cũng như giá trị thẩm mỹ kiến trúc.
– Cơ duyên nào để chị đến với kiến trúc và trở thành một trong những người chèo lái GK Archi?
– Thời còn cấp 3, tôi thường đi ngang trường Đại học kiến trúc TP HCM và nhìn thấy các sinh viên kiến trúc sư, tay cầm thước, cầm viết bản lĩnh và hấp dẫn. Sự yêu thích của tôi đối với kiến trúc đến tự nhiên như vậy.
Mọi quyết định cũng như điều tôi làm đều xuất phát từ sở thích của bản thân, vì yêu nên theo đuổi. Sau đó, quyết định thi vào trường kiến trúc. Tôi không thể lường trước các khó khăn, thách thức của nghề tôi đã chọn, nhưng khi đã quyết định, thì theo tôi, chỉ có một con đường là đi tiếp.
– Chị có chia sẻ lĩnh vực kiến trúc Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vươn ra thị trường nước ngoài. Vì sao vậy?
– Doanh nghiệp kiến trúc nói chung và kiến trúc sư Việt Nam nói riêng vẫn chưa có tư duy ra biển lớn, chưa dám “đá ở sân khách”.
Chúng ta vẫn thụ động chấp nhận làm việc ở thị trường trong nước, chấp nhận sự an toàn cao nhưng cạnh tranh khốc liệt như việc phá giá thiết kế, tặng miễn phí bản thiết kế để thắng thầu. Tư duy an toàn đã ngăn chặn việc đi xa.
Tòa căn hộ The Atrium ngay tại thành phố Yangon (Myanmar) do các kiến trúc sư của công ty GK Archi thiết kế.
Nghịch lý còn ở chỗ chất lượng đội ngũ kiến trúc sư Việt không thua kém các nước trong khu vực thậm chí còn vượt trội, nhưng chi phí thiết kế quá rẻ.
Khi đi ra các nước, tôi tin các kiến trúc sư sẽ có từng góc nhìn cụ thể và khác biệt, tư duy cởi mở, nhìn thấy sở trường và sở đoản của chính mình để cải thiện. Đây cũng là cách để chúng ta mở cửa hội nhập với thế giới.
– Là một phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực dành cho chủ yếu nam giới, điều này gây cho chị áp lực ra sao?
– Không chỉ ở Việt Nam mà các nước tôi từng làm việc, kiến trúc sư nam vẫn lấn át nữ. Đúng là cũng có thời điểm khi thương thảo với đối tác, tôi thấy họ chưa thực sự tin năng lực của công ty bởi tôi là nữ giới. Điều đó buộc tôi phải thuyết phục họ bằng năng lực thật sự, thông qua những bản thiết kế. Và như mọi người thấy, GK Archi luôn có nhiều dự án thành công không chỉ ở Myanmar.
Chị Giang cùng đối tác Nhật Bản tham gia bảo vệ dự án Trung tâm Hành chính TP HCM.
– Chị không giấu giếm tham vọng đưa kiến trúc Việt ra thế giới. Vậy chị đang hiện thực hóa kế hoạch này ra sao?
Chúng tôi đang nghiên cứu để công ty GK Archi có thể xuất hiện ở những thị trường hấp dẫn và có giá trị tại châu Á. Nhất là tại thị trường mà các công ty Việt Nam khó để cạnh tranh như Singapore…
Riêng tại Myanmar, chúng tôi đang đảm nhiệm một số dự án gồm: Khu phức hợp chung cư The Sky Thuwunna (vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng); Dự án Chaung Thar Resort tại Chaung Thar (700 tỷ đồng)… Ngoài ra, chúng tôi có dự án khách sạn Soyombo tại Mông Cổ (vốn đầu tư 820 tỷ đồng), Sabinco Saudi Tower tại Bangladesh (vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng)…
GK Archi thành công bước đầu một phần cũng nhờ những cộng sự, đắc lực, hỗ trợ. Thời gian tới, công ty không ngững nâng cao năng lực nhân sự để sáng tạo các sản phẩm chất lượng tại Việt Nam và các nước trên thế giới.
Nguồn: Vn Express
“xuất khẩu” Kiến trúc, căn hộ The Atrium, Công ty GK Archi - Myanmar, công ty kiến trúc, GK Archi, GK Archi Myanmar, Kiến trúc, kiến trúc sư, kiến trúc sư Giang Lê, The Atrium, xuất khẩu nghề Kiến trúc
admin
Những thông tin thú vị 🙂